Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, xe máy là nguồn chính gây ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn nhưng lại chưa được kiểm soát khí thải trong quá trình sử dụng – theo Báo Dân Trí.
Cục Đăng kiểm cũng kiến nghị cần nghiên cứu để thực hiện hỗ trợ việc kiểm soát khí thải xe máy từ nguồn thu thuế bảo vệ môi trường, kinh phí sự nghiệp môi trường và các nguồn khác.
Đến hết năm 2014, số lượng xe máy đăng ký tại 5 thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, Hải Phòng và Cần Thơ là hơn 13,4 triệu chiếc, chiếm gần 30% tổng số xe máy cả nước. Vì vậy, việc kiểm soát khí thải trước mắt cần tập trung ở các thành phố lớn, nơi đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi ô nhiễm không khí.
Nhằm kiểm soát khí thải xả ra môi trường, Bộ Giao thông Vận Tải (GTVT) đang lấy ý kiến của các bộ, ngành và địa phương về lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe máy trước khi trình Thủ tướng.
Báo Lao Động cho biết Bộ GTVT đề nghị áp dụng kiểm tra khí thải với xe máy tại 5 thành phố trực thuộc trung ương bao gồm Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ trước khi đưa vào áp dụng đại trà trên toàn quốc. Việc thu phí kiểm định khí thải nhằm khống chế lượng khí thải tối đa được phép xả ra môi trường.
Theo giải thích của ông Nguyễn Hữu Trí, Phó cục trưởng Đăng kiểm Việt Nam, phí môi trường để đầu tư nâng cao chất lượng môi trường, còn phí kiểm định xe cơ giới trả cho việc kiểm soát khí thải của xe máy ra môi trường, không thể để các xe phun khói đen trên đường
“Chúng tôi đề xuất lộ trình kiểm soát khí thải trước tiên tại Đà Nẵng do thành phố này có số xe máy vừa phải và đang có mục tiêu là thành phố xanh, cụ thể từ 1/7/2018 kiểm định khí thải xe máy niên hạn trên 10 năm; từ ngày 1/7/2019 áp dụng với xe sử dụng trên 5 năm. Sau đó sẽ nhân rộng ra Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng và Cần Thơ, từ ngày 1/7/2020 kiểm định khí thải đối với xe trên 10 năm; từ 1/7/2022 với xe sử dụng trên 5 năm”, ông Nguyễn Hữu Trí trả lời phỏng vấn Báo Điện tử VnExpress.
Giao cho các đại lý kiểm tra khí thải xe và dán tem
Dự kiến giao cho đại lý bán xe và bảo dưỡng của các hãng xe máy (HEAD) làm nòng cốt vì trên cơ sở tính toán lượng xe máy, các hãng như Honda, Yahama, Suzuki có các đại lý bảo dưỡng xe lớn đảm bảo yêu cầu về trang thiết bị và con người có thể kiểm tra khí thải xe và dán tem ngay.
Ông Trí nói: “Chúng tôi không chọn các đại lý không tên tuổi. Cơ quan nhà nước sẽ giám sát các đại lý này bằng các số liệu thống kê số xe vào kiểm định qua mạng, qua camera và kiểm tra thực tế định kỳ giống như các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới hiện nay. Việc giám sát các đại lý để đảm bảo yêu cầu chất lượng không phải là vấn đề đáng lo ngại lắm”.
Phí kiểm định không chồng phí môi trường vì người dân đóng phí môi trường để đầu tư nâng cao chất lượng sống, còn phí kiểm định xe cơ giới trả cho việc thực hiện kiểm soát khí thải để các xe không xả khói đen ra môi trường. Đó là biện pháp bảo vệ cho chính cuộc sống của chúng ta. Như chúng tôi từng kiểm soát khí thải xe buýt thành công, đã giảm lượng khói đen của xe buýt tại các đô thị lớn.
“Hiện nay chúng tôi đề xuất mức phí là 100.000 đồng cho mỗi xe kiểm định trong một năm, song quyền ban hành thuộc Chính phủ khi cân đối với việc đầu tư thiết bị, con người, thuê mặt bằng của các đại lý kiểm định xe. Phí này là trả cho doanh nghiệp trực tiếp kiểm định xe chứ không phải nộp ngân sách nhà nước”, ông Trí cho biết.
Phạt nếu không dán tem kiểm định khí thải
Trả lời câu nỏi của PV VnExpress về việc nếu người dân không đi kiểm định xe thì sẽ chịu mức phạt như thế nào?, ông Trí cho hay “trong kế hoạch xây dựng văn bản, chúng tôi sẽ đề xuất xử phạt vi phạm hành chính với lỗi phương tiện không có tem kiểm định khí thải.”
Trên hết, người dân cần thấy khí thải là tác nhân gây ô nhiễm môi trường, rất nguy hại cho sức khỏe của người tham gia lưu thông tại các thành phố lớn, gây các bệnh đường hô hấp, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế. Các nước khác trên thế giới cũng đã kiểm soát chặt chẽ khí thải của phương tiện ra môi trường nên chúng ta cũng cần có ý thức thực hiện vấn đề này.
Theo Cục Đăng kiểm, do việc kiểm soát khí thải xe máy là vấn đề lớn và phức tạp nên cần triển khai thí điểm tại 1 thành phố có quy mô dân số và lượng xe vừa phải để rút kinh nghiệm trước khi triển khai đồng loạt.
Trong khi đó, Đà Nẵng có khoảng 1 triệu dân và đến hết năm 2014 có 713.000 xe máy đăng ký. Chính quyền và người dân Đà Nẵng có ý thức bảo vệ môi trường, hướng tới thành phố xanh, sạch, đẹp nên phù hợp thực hiện trước để rút kinh nghiệm”.
Cục Đăng kiểm cho rằng đây là mức chi phí không đáng kể so với chi phí nhiên liệu hàng năm. Đối với người sử dụng xe máy phải tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa xe đạt tiêu chuẩn khí thải không bị thiệt hại mà còn tiết kiệm được nhiên liệu từ 10 đến 30% sau khi xe bảo dưỡng tốt hơn. Việc bảo dưỡng, sửa chữa cũng làm tăng độ bền của xe.
"Trên hết, người dân cần thấy khí thải là tác nhân gây ô nhiễm môi trường, rất nguy hại cho sức khỏe của người tham gia lưu thông tại các thành phố lớn, gây các bệnh đường hô hấp, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế. Các nước khác trên thế giới cũng đã kiểm soát chặt chẽ khí thải của phương tiện ra môi trường nên chúng ta cũng cần có ý thức thực hiện vấn đề này.", ông Trí nói.