Hiện trạng và nguy cơ ô nhiễm dầu tại đảo Phú Quốc
|
Đảo Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang, nằm ở phía Tây Nam của Việt Nam. Với nguồn tài nguyên phong phú, đảo Phú Quốc có những điều kiện thuận lợi để phát triển giao thông đường thủy, du lịch và nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển kinh tế, môi trường của Phú Quốc cũng bị tác động mạnh mẽ. Chất lượng nước khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các hoạt động kinh tế và sinh hoạt của con người trên đảo. Đặc biệt, một lượng dầu thải đã làm ô nhiễm môi trường nước biển khu vực này.
HIỆN TRẠNG VÀ NGUY CƠ Ô NHIỄM DẦU TẠI ĐẢO PHÚ QUỐC
Theo kết quả nghiên cứu của Nguyễn Văn Tiến và cộng sự (2007), thuộc dự án “Ngăn ngừa xu hướng suy thoái môi trường Biển Đông và vịnh Thái Lan”, nồng độ dầu quan trắc tháng 12/2007 tại 2 trạm dao động từ 0,19 - 0,26 mg/l, trung bình 0,23 mg/l. So với giới hạn cho phép (GHCP) đối với nước ven bờ theo QCVN 10: 2008/BTNMT đối với nước nuôi trồng thủy sản (0,2 mg/l), nồng độ dầu tại điểm thu mẫu Bãi Bồn cao hơn GHCP 1,3 lần.
Nồng độ dầu quan trắc tháng 5/2009 tại 5 trạm dao động từ 0,21-1,94 mg/l, trung bình 0,69 mg/l (Đỗ Công Thung, 2010). Như vậy, so với GHCP của QCVN 10: 2008/BTNMT đối với nước biển ven bờ (0,2 mg/l) thì nước tại khu vực này đã bị ô nhiễm dầu. Đặc biệt, các khu vực cảng bị ô nhiễm dầu nặng do tàu thuyền ra vào với mật độ cao.
Nồng độ dầu quan trắc tháng 7/2013 tại 5 trạm dao động từ 0,08 - 0,26 mg/l, trung bình 0,18 mg/l. So với GHCP đối với nước ven bờ theo QCVN 10: 2008/BTNMT (0,20 mg/l), nồng độ dầu tại 3/5 trạm cao hơn GHCP từ 1,2 -1,4 lần.
Biến động nồng độ dầu trung bình trong nước đảo Phú Quốc các năm từ 2007 đến 2013 dao động từ 0,18 - 0,69 mg/l. Nồng độ dầu tháng 5/2009 (0,69 mg/l) cao hơn các năm khác.
Sơ đồ khu vực nghiên cứu Biến động nồng độ dầu trong nước, đảo Phú Quốc
TÁC ĐỘNG CỦA DẦU ĐẾN MÔI TRƯỜNG
Các sự cố tràn dầu đã trở thành mối đe dọa lớn đối với môi trường nói chung và các hệ sinh thái nói riêng. Dầu tràn gây nên những thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế và ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Hiện trạng ô nhiễm dầu từ năm 2007 -2013 cho thấy, mức độ ô nhiễm dầu biến đổi theo năm. Trong đó, năm 2009 nước đảo Phú Quốc bị ô nhiễm nặng nhất. Dầu xâm nhập vào nước biển dưới tác động của nhiều yếu tố bên ngoài như nhiệt độ, sóng, gió thủy triều, dòng chảy, thời gian…Các yếu tố này làm biến đổi tính chất lý hóa của dầu. Kết quả của sự biến đổi đó làm cho một phần dầu bị phân hủy và phần còn lại trở lên bền vững trong môi trường. Các thông số kỹ thuật của từng loại dầu như tỷ trọng, độ nhớt, khả năng bay hơi, nhiệt độ đông… cũng ảnh hưởng nhiều đến tốc độ các quá trình biến đổi. Các quá trình biến đổi của dầu tràn trên mặt biển xảy ra rất phức tạp và đồng thời. Ngoài những quá trình bay hơi, khuếch tán, hòa tan, dầu còn trải qua những biến đổi khác như ôi hóa, nhũ tương hóa, phân hủy sinh học. Thực tế cho thấy, những biến đổi có ảnh hưởng lớn đến quá trình thu gom, xử lý dầu. Dưới đây là một số đánh giá mối quan hệ giữa nồng độ dầu và các thông số thủy lý, hóa trong nước biển khu vực đảo Phú Quốc:
- Nồng độ DO trong nước tại một số khu vực thuộc đảo Phú Quốc năm 2009 giảm so với năm 2007 với hệ số suy giảm từ 1,03 đến 1,12 lần.
- Mức độ ô nhiễm BOD5 tại khu vực đảo Phú Quốc tăng từ năm 2006 - 2009 với hệ số từ 0,82 - 4,55 lần.
-Hệ số tương quan giữa nồng độ dầu và COD rất thấp, chỉ 0,0142. Như vậy, tác động dầu đến COD trong nước là không có.
- Hệ số tương quan giữa nồng độ dầu - độ muối là 0 nên tác động và ảnh hưởng là không có.
- Hệ số tương quan giữa nồng độ dầu - độ đục (0,12); nồng độ dầu - nhiệt độ (0,24) rất thấp nên tác động không có.
- Hệ số tương quan giữa nồng độ dầu - độ pH là 0,34. Đây là giá trị nhỏ tuy nhiên cao hơn các hệ số nêu trên.
- Hệ số tương quan trong dầu và Zn là 0,23. Zn là một trong kim loại có trong thành phần dầu nên nồng độ dầu trong nước có thể làm tăng nồng độ Zn trong nước và ngược lại.
- Hệ số tương quan giữa nồng độ dầu và các yếu tố dinh dưỡng (NO2-, NO3-, NH4+, PO43-) rất thấp nên khó để có thể đánh giá tác động của dầu đến các yếu tố này.
Nồng độ dầu trong nước đảo Phú Quốc các năm từ 2007 - 2013 dao động từ 0,17 - 0,69 mg/l. Như vậy, môi trường nước biển đảo Phú Quốc có hiện tượng bị nhiễm dầu ở ngưỡng vượt quy chuẩn cho phép.
Ô nhiễm dầu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, đặc biệt là các hệ sinh thái như hệ sinh thái rừng ngập mặn, cỏ biển, vùng triều bãi cát, đầm phá và các rạn san hô. Ô nhiễm dầu làm giảm sức chống đỡ, tính linh hoạt và khả năng khôi phục của các hệ sinh thái. Ngoài ra, dầu tràn chứa độc tố làm tổn thương hệ sinh thái, có thể suy giảm hệ sinh thái.
Chính vì thế, việc phòng ngừa và khắc phục các sự cố về tràn dầu là vấn đề hết sức cấp thiết. Khâu đầu tiên và quan trọng là phải xây dựng và hoàn thiện pháp luật về vấn đề này nhằm tạo dựng cơ sở pháp lý cho hoạt động phòng chống và khắc phục ô nhiễm dầu ở khu vực Phú Quốc nói riêng và cả nước nói chung
TS. LÊ XUÂN SINH, KS. PHÙNG THỊ HẢO
VIỆN TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG BIỂN
(Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 4/2015) |