Thúc đẩy vai trò của các tổ chức xã hội trong giám sát bảo vệ môi trường
Bảo vệ và giám sát việc thực thi pháp luật về môi trường không chỉ thuộc trách nhiệm của các cấp chính quyền mà còn là quyền và nghĩa vụ của mọi công dân và toàn xã hội, trong đó có các tổ chức xã hội (TCXH). Tuy nhiên, cơ chế tham gia của các tổ chức này vào quá trình giám sát việc thực thi pháp luật về môi trường chưa được quy định rõ ràng và thống nhất đối với mọi loại hình TCXH.
Ô nhiễm bụi từ hoạt động chế biến đá trắng ở xã Diễn Kỷ (huyện Diễn Châu, Nghệ An). (Ảnh: Dương Văn Thọ/PanNature)
Sự ra đời tất yếu
TCXH là khái niệm được dùng để chỉ một tập hợp các cá nhân, nhóm người trong xã hội với những mối quan hệ được xác lập dựa trên sự thống nhất về cách thức hành động nhằm đạt được một mục tiêu chung. Theo nghĩa rộng, TCXH bao hàm toàn bộ các tổ chức, thiết chế mang tính chính trị (như nhà nước), các thiết chế phi chính trị (như nghiệp đoàn, các tổ chức phi chính phủ) và các tổ chức xã hội dân sự (civil society).
TCXH ở Việt Nam cũng có thể được hiểu theo nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Ở nghĩa rộng, TCXH bao gồm tổ chức chính trị (Nhà nước, Đảng); tổ chức chính trị – xã hội (Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Công đoàn, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên và Hội Cựu chiến binh); Tổ chức xã hội (nghĩa hẹp); Tổ chức nghề nghiệp và các hình thức tự quản của nhân dân. Theo nghĩa hẹp, TCXH là tập hợp các tổ chức xã hội dân sự, tổ chức tự quản, cộng đồng, hội nghề nghiệp và từ thiện.
Khái niệm TCXH được sử dụng trong bài viết này chủ yếu nhấn mạnh đến các tổ chức tự quản, tổ chức cộng đồng,…với tính cách là những liên kết của các công dân bên ngoài nhà nước hay các thiết chế chính trị; TCXH là mảng liên kết phi chính trị và phi nhà nước của công dân. Địa vị pháp lý của các TCXH được xác lập dựa trên các nguyên tắc hiến định và luật định. Cụ thể, Điều 25 Hiến pháp năm 2013 quy định, mọi công dân đều có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền tiếp cận thông tin, quyền lập hội, hội họp, biểu tình theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, Bộ luật Dân sự năm 2005 và Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 cũng quy định các điều khoản liên quan đến hình thức và cơ chế hoạt động của hội.
Có thể nói, địa vị pháp lý của TCXH bắt nguồn từ địa vị pháp lý của công dân, và địa vị ấy được xác lập dựa trên những nguyên tắc hiến định và luật định vốn là sự cụ thể hóa của phương châm dân chủ cơ sở – “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Thông thường, người dân thực hiện quyền kiểm tra, giám sát đối với toàn bộ hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung, hoạt động BVMT nói riêng thông qua cơ chế gián tiếp là ủy quyền cho những đại diện và có thể thông qua cơ chế trực tiếp là tập hợp nhau lại thành các tổ chức tự quản, tự trị và tự nguyện. Do vậy, sự ra đời các TCXH là tất yếu.
Đáng chú ý, nội dung về quy chế dân chủ ở cơ sở, trong đó có Nghị quyết 97/2007-CP về thực hiện dân chủ ở cơ sở, cũng nhấn mạnh vai trò và sự tham gia của người dân vào quá trình xây dựng, thực thi, giám sát chính sách phát triển kinh tế – xã hội địa phương, trong đó không thể không nhắc tới những chính sách về BVMT – vốn được xem là một trong những nhiệm vụ chính trị của bộ máy chính quyền địa phương.
Trên tinh thần của quy chế dân chủ, Điều 144, 145, 146 Luật BVMT 2014 đặc biệt nhấn mạnh đến nguyên tắc thực hiện cơ chế dân chủ trong BVMT. Theo đó, người dân có quyền được tiếp cận với mọi thông tin liên quan đến tình trạng vi phạm BVMT ở địa phương. Quy định này là cơ sở pháp lý để người dân và tổ chức cộng đồng địa phương thực hiện các hoạt động kiểm tra, giám sát hiệu quả công tác BVMT. Đáng chú ý, Điều 83 của Luật đã xác lập quyền lập hội trong giám sát BVMT của cộng đồng và người dân. Các hội này chính là các tổ chức tự quản về BVMT, hay nói cách khác là các tổ chức xã hội dân sự trong BVMT. Thuật ngữ “tổ chức tự quản về BVMT” trong Luật được sử dụng với nội hàm chính là các TCXH dân sự, bao gồm các cộng đồng tự quản của người dân ở địa phương hay các cá nhân, nhóm người có chung một mục tiêu BVMT và tự tập hợp nhau lại thành tổ chức dựa trên nguyên tắc tự nguyện và hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật.
Vai trò cần được thúc đẩy
Hoạt động giám sát, BVMT có thể được cụ thể hóa dưới nhiều hình thức khác nhau, bằng nhiều con đường khác nhau, với sự tham gia của nhiều bên liên quan, trong đó TCXH đóng vai trò vô cùng quan trọng, cần được khuyến khích và thúc đẩy mạnh mẽ hơn.
Với tư cách là những cộng đồng tự quản ở địa phương mà thành viên đều là lực lượng nhân dân, các TCXH đóng một vai trò quan trọng trong việc phát hiện, tố giác những sai phạm về BVMT. Nhiều tổ chức cộng đồng ở địa phương đã và đang làm tốt vai trò này như vụ phát hiện vi phạm tại Công ty Tung-Kuang ở Hải Dương, Nicotex Thanh Thái ở Thanh Hóa hay Vedan ở Đồng Nai…
Bên cạnh vai trò phát hiện, tố giác, các TCXH cũng có vai trò tư vấn, khuyến nghị về các vấn đề liên quan đến môi trường. Vai trò này được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có Luật BVMT 2014. Điều 150, 157 của Luật nêu rõ các tổ chức, cá nhân đều được khuyến khích thúc đẩy phát triển dịch vụ BVMT với chức năng tư vấn, đào tạo, cung cấp thông tin về môi trường. Với vai trò là một kênh thông tin quan trọng của cơ chế dân chủ trong BVMT, các TCXH không chỉ phản ánh đơn thuần về những vi phạm đối với pháp luật BVMT mà còn đưa ra những kiến nghị, đề xuất cho việc xử lý và giải quyết các vấn đề ấy.
Với vai trò thứ ba – kiểm tra, giám sát, Luật BVMT 2014 cũng quy định rõ: Nhà nước cần “tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia hoạt động BVMT; kiểm tra, giám sát việc thực hiện hoạt động BVMT theo quy định của pháp luật” (Điều 5). Đặc biệt, khoản Điều 83 nêu rõ “Tổ chức tự quản về môi trường có nhiệm vụ tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật về BVMT của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn”. Như vậy, vai trò của cộng đồng dân cư nói chung, TCXH và tổ chức tự quản về môi trường nói riêng trong việc kiểm tra, giám sát là hết sức quan trọng và là yêu cầu bắt buộc trong suốt quá trình triển khai, vận hành dự án.
Cuối cùng, các quy định pháp luật liên quan và Luật BVMT đều tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức và cá nhân tham gia vào hoạt động BVMT nói chung và hoạt động giáo dục, phổ biến, tuyên truyền về BVMT nói riêng. Bên cạnh đó, Luật quy định nhà nước phải ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực cho việc BVMT, đồng thời khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân tham gia đào tạo nguồn nhân lực BVMT. Vai trò của các TCXH trong hoạt động này được đặc biệt đề cao và phát huy tương đối hiệu quả. Rất nhiều TCXH về môi trường đã thực thi tốt sứ mệnh phổ biến, tuyên truyền, góp phần không nhỏ vào mục tiêu nâng cao nhận thức của người dân về BVMT.
Mặc dù đảm trách nhiều vai trò trong hoạt động giám sát BVMT, song cơ chế tham gia của các TCXH vào quá trình giám sát việc thực thi pháp luật về BVMT chưa được xác lập rõ ràng và hiệu quả đối với mọi loại hình TCXH. Hiện nay, cơ chế tham gia của TCXH chủ yếu là cơ chế gián tiếp, tức thông qua vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Bên cạnh đó, sự tham gia của các TCXH vào các hoạt động giám sát BVMT vẫn ở mức độ khiêm tốn và chưa thực sự mang tầm ảnh hưởng rộng lớn. Một trong những nguyên nhân cơ bản là do thiếu cơ chế tham gia, thiếu khuôn khổ pháp lý đồng bộ và một chế tài thực thi hiệu quả. Đây cũng là điểm yếu khiến các TCXH ở Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực BVMT chưa thực sự tạo thành thế và lực có sức mạnh đáng kể, đặc biệt, chưa mang lại những tác động hiệu quả từ hoạt động vận động chính sách, tư vấn… đối với những chính sách phát triển kinh tế – xã hội ở cấp trung ương và địa phương có ảnh hưởng đến môi trường.
Thêm vào đó, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và ban, ngành địa phương, thậm chí của xã hội nói chung về vị trí, vai trò, chức năng của các TCXH còn chưa thực sự đầy đủ và đúng đắn; sự liên kết và mối quan hệ tương tác giữa các TCXH trong cùng lĩnh vực BVMT còn rời rạc, thiếu hệ thống và thiếu cơ chế điều phối, hợp tác. Ngoài ra, năng lực vận động chính sách liên quan đến BVMT của các TCXH còn nhiều hạn chế.
Nhằm tăng cường sự tham gia hiệu quả của TCXH vào các hoạt động giám sát, BVMT, thiết nghĩ nhà nước cần đẩy mạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật và lấy đây làm tiền đề quan trọng trong công tác giám sát BVMT nói chung và sự tham gia có hiệu quả của TCXH nói riêng vào hoạt động này. Trước mắt, cần xem xét và thông qua Luật Tiếp cận thông tin làm cơ sở cho việc công khai và minh bạch hoạt động theo dõi, giám sát những sai phạm về pháp luật BVMT. Tiếp đó, cần sớm hoàn thiện hệ thống điều tra, truy tố và xét xử nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về BVMT, xem xét giải pháp thành lập Tòa án môi trường như kinh nghiệm ở một số nước.
Song song với các đề xuất nêu trên, cần nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm về BVMT cho cộng đồng và toàn xã hội. Đặc biệt, cần khuyến khích các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức cộng đồng địa phương tham gia vào hoạt động theo dõi, phát hiện, tố giác sai phạm về pháp luật BVMT, cũng như quá trình thực thi, giám sát chính sách và thực hành quyền môi trường.
PGS.TS Hoàng Văn Nghĩa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quyền con người,
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh |