Có ý kiến cho rằng cây đổ thường là cây rễ chùm, không ăn sâu xuống đất và có tán lá rộng. Những cây có đặc điểm như vậy không nên trồng ở đô thị như Hà Nội. Thay vào đó, chỉ trồng cây tán nhỏ, rễ cây ăn sâu chịu được gió bão.
Một nghiên cứu hồi tháng 6/2014 của TD Bank, ngân hàng lớn nhất Canada, ước tính cây xanh ở Toronto có tổng giá trị 7 tỉ đô la Canada. Mà đây chỉ mới là giá trị hữu hình có thể định lượng được, chứ chưa xét tới các giá trị vô hình khác như mỹ quan, không gian vui chơi giải trí, ý nghĩa đối với cộng đồng dân cư.
Theo một nghiên cứu do Sở Lâm nghiệp Toronto đặt Bộ Nông nghiệp Mỹ thực hiện, Toronto có hơn 10 triệu cây với ít nhất 116 giống cây khác nhau. Mỗi cây trị giá khoảng 700 đô la Canada. Làm sao tính? TD Bank dùng giá trị thay cây (replacement value), tức là chi phí đốn bỏ cây cũ và trồng lại cây tương tự. Để so sánh, ở tỷ giá hiện nay, giá trị này tương đương với 12 triệu đồng Việt Nam. Con số 700 đô la/cây đó coi như vốn đầu tư. Còn “thu nhập” thường xuyên hàng năm thì sao? Báo cáo của TD Bank lượng hóa các lợi ích hữu hình theo các khía cạnh sau.
Giảm lượng chảy do mưa, tuyết. Lượng nước từ mưa và tuyết mang chất gây ô nhiễm vào hệ thống cấp nước thành phố, và nếu mưa lớn có thể gây quá tải cho cơ sở hạ tầng xử lý nước, làm hư hao và giảm tuổi thọ của thiết bị. Tán lá của cây cối hấp thu và giảm bớt khoảng 25 triệu mét khối nước từ mưa và tuyết, giúp tiết kiệm hơn 50 triệu đô la về các khoản hư hại tài sản, thiết bị.
Chất lượng không khí. Cây cối tạo ra ô xy, hấp thu các chất gây ô nhiễm, và tán lá giữ lại các chất dạng hạt như bụi, tro, đất và phấn hoa. Hàng năm, cây ở Toronto loại bỏ khí quyển khoảng một phần tư (1.900 tấn) lượng ô nhiễm không khí do các ngành sản xuất tạo ra. Lượng này tương đương với mức ô nhiễm của hơn một triệu xe hoặc 100.000 hộ gia đình. Giá trị của mức giảm ô nhiễm này ước tính khoảng 19 triệu đô la mỗi năm, tức gần 2 đô la/cây.
Hiệu ứng làm mát hàng năm của một cây trẻ khỏe tương đương với 10 máy lạnh (cỡ thường để trong phòng) chạy liên tục 24 giờ/ngày. Mỗi năm, cây cối ở Toronto giảm 750.000 MBTU trong mức tiêu thụ khí đốt và trên 40.000 MWH trọng lượng tiêu thụ điện, tương đương với mức tiết kiệm 6,5 triệu đô la/năm cho doanh nghiệp và hộ dân cư. Tiết kiệm năng lượng cũng tránh được 17.000 tấn khí thải nhà kính từ các nguồn năng lượng, tiết kiệm thêm từ 400.000-600.000 đô la/năm...
Cây xanh là thước đo cho sự giàu có
Quan sát ở thành phố New York (Mỹ), có một sự tương phản rõ ràng giữa các con phố xanh mướt biến các tòa biệt thự thành ốc đảo thiên đường với những đại lộ ảm đạm, cằn cỗi, nơi tập hợp của đủ thể loại hội nhóm, nhưng có một điểm chung là “thu nhập không cao” - theo Wall Street Journal.
Những hàng phượng vĩ, bằng lăng trên đường Thanh Niên (Hà Nội) đầy sức sống, mang lại nhiều giá trị về mặt không gian sống, giá trị văn hóa
Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí nghiên cứu trực tuyến PLoS ONE còn cho thấy, khi thu nhập hộ gia đình tăng trung bình 10.000 USD/năm thì diện tích tán cây lại tăng thêm 1%. Ở những nơi khác nhau sẽ cho ra tỷ lệ khác, song nhìn chung, các nhà nghiên cứu đều nhận thấy mối quan hệ cùng chiều giữa thu nhập và diện tích cây xanh.
Ông Ken Atkison, Trưởng nhóm Công tác Du lịch của VBF, từng có một câu nhận định về việc nhiều người cứ lo mất vài đồng thuế trước mắt như thế này: “Lo mất 11 triệu USD thu phí một năm là rất thiển cận.”
Chính các nhà nghiên cứu đã tính ra rằng ở nước Mỹ, cứ mỗi USD chi ra cho việc trồng cây, họ tiết kiệm được ít nhất 5,6 USD nhờ tiết kiệm năng lượng, chi phí xử lý nước và giá trị tài sản tăng lên thông qua ngoại ứng tích cực.
Trong khi người Mỹ đang tích cực xanh hóa thành phố, thì ở Việt Nam, rất nhiều cây bị chặt hạ trong thời gian qua với những lý do loanh quanh, thiếu thuyết phục như giảm tắc đường, phục vụ cho các công trình xây dựng, hay làm đẹp mỹ quan…
Hậu quả thấy ngay là chỉ một trận giông tố kéo dài 30 phút cuối tuần qua đã lộ ra chuyện người ta chỉ biết chặt mà không
chăm sóc cây khiến nhiều cây ốm yếu, thiếu sức sống, gặp gió to là đổ kềnh ra, gây thiệt hại cho những người sống cạnh đó.
Khi một thành phố kết hợp cơ sở hạ tầng tự nhiên với những bề mặt bê tông trong quy hoạch sẽ giúp chuyển hóa các tài sản “sống” như cây xanh đô thị, đất ngập nước và rừng đầu nguồn để giảm ô nhiễm và tạo ra lớp bảo vệ cho thành phố khỏi cơn cuồng nộ từ bão tố.
Thiên nhiên tạo ra cây xanh với chức năng bảo vệ con người chứ không phải để "phá hoại" môi trường sống. Nếu có xảy ra điều đó thì lỗi trước tiên đến từ chúng ta chứ chẳng thể đổ lỗi cho cây xanh giống như ai đó quy kết tội cho chúng gây thương vong trong cơn giông mới đây ở TP Hà Nội.
Số liệu thống kê mà cơ quan chức năng TP Hà Nội đưa ra tại buổi họp sáng nay (14/06) là đã có gần 1.300 cây xanh trên địa bàn đã bị gãy đổ, 2 người chết và 5 người bị thương trong trận dông lốc xảy ra chiều 13/06.
“Qua trận cuồng phong cho thấy cây xanh cũng có những lúc gây tác hại, nhất là khi giông bão về. Hà Nội cần thiết phải nghiên cứu, có sự tham gia của nhà khoa học để chọn cây phù hợp, giảm thiểu hưởng đến con người, người nhà cửa khi gió lốc” GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản – Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam, chia sẻ.
Nếu đúng như người Mỹ trân trọng tới mức khi cho rằng “
cây xanh mang lại sự giàu có” thì con người cần phải “nghiêm túc” mà suy nghĩ lại những hành động bấy lâu nay và rằng mọi người cần phải giữ gìn cái sự giàu có này cho con cháu của chúng ta.
Minh Cường (MOITRUONG.COM.VN)