15/06/2015 4:24:20 CH

 

Hiểm họa chất thải, phế liệu có được ngăn chặn?

Nghị định Quản lý chất thải và phế liệu chính thức có hiệu lực từ ngày 15/06/2015 liệu có giải quyết được những tồn tại bấy lâu nay hay vấn nạn nhập khẩu chất thải, phế liệu vẫn sẽ tiếp tục xảy ra và gieo rắc hiểm họa ô nhiễm môi trường trong khi những biện pháp quản lý, ngăn chặn chưa đủ mạnh và dứt khoát?




Nghị định ra đời liệu có giải quyết được vấn nạn nhập khẩu chất thải, phế liệu đã tồn tại nhiều năm qua?

Cảnh báo về bãi rác công nghệ của thế giới 

"Có khả năng chúng ta trở thành bãi rác công nghệ của thế giới. Điều này chúng tôi thấy hoàn toàn có khả năng" - Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Nguyễn Quân đã khẳng định điều này khi trả lời câu hỏi của đại biểu trong phiên chất vấn Đại biểu Quốc hội sáng 12/6/2015.

Thực ra vấn nạn nhập phế liệu, rác thải công nghiệp về Việt Nam đã từng nâng thành mức báo động đỏ từ cách đây 5 năm. Thế nhưng, những biện pháp quản lý, ngăn ngừa gần như không có hiệu lực. Đến nay thực trạng “rác” nhập về nước vẫn ào ạt, tồn đọng tại các cảng biển hoặc phân tán đi các vùng miền và gieo rắc hiểm họa ô nhiễm môi trường.

Theo thông tin trên Báo Lao Động, gần đây dư luận giật mình vì con số thống kê hơn 5.400 container tồn đọng tại các cảng trong đó riêng khu vực cảng Hải Phòng có tới gần 5.000 chiếc, chủ yếu là hàng tạm nhập tái xuất, giá trị kinh tế thấp đã bị chủ hàng bỏ lại. 

Thực tế này giờ mới được phát hiện? Xin thưa, nó đã được các cơ quan chức năng phát hiện, đem ra mổ xẻ từ lâu, nhưng không có biện pháp xử lý dứt điểm nên số container tồn đọng mới tăng lên tới con số “khủng” 5.400 như hiện nay.

“Đống rác” này không phải mới được phát hiện, và việc xử lý chúng cũng sẽ không giải quyết được tận gốc vấn đề nếu vẫn còn lỏng lẻo trong quản lý nhập khẩu rác về Việt Nam như hiện nay.

Phải phân loại trước khi nhập khẩu về Việt Nam

Tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến chất thải và phế liệu nhập khẩu trên lãnh thổ Việt Nam phải có trách nhiệm phân loại chất thải tại nguồn nhằm mục đích tăng cường tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, xử lý và thu hồi năng lượng.

Đây là một trong những quy định quản lý chất thải tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải (bao gồm chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, sản phẩm thải lỏng, nước thải, khí thải công nghiệp và các chất thải đặc thù khác; bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu) đã được Chính phủ ban hành và chính thức có hiệu lực từ ngày hôm nay, 15/06/2015.

Theo Nghị định này, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến chất thải và phế liệu nhập khẩu phải tăng cường áp dụng các biện pháp về tiết kiệm tài nguyên và năng lượng, sản xuất sạch hơn. Việc đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải phải tuân thủ theo quy định pháp luật về xây dựng và pháp luật bảo vệ môi trường có liên quan.

Cụ thể, nước thải phải được thu gom, tái sử dụng hoặc chuyển giao cho đơn vị có chức năng phù hợp để xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật trước khi thải ra môi trường. Khí thải phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường tại cơ sở phát sinh trước khi thải ra môi trường.

Nghị định số 38/2015/NĐ-CP cũng nêu rõ: Các chất thải nguy hại phải được phân loại theo mã chất thải nguy hại để lưu giữ trong các bao bì hoặc thiết bị lưu chứa phù hợp và phải được phân loại bắt đầu từ thời điểm đưa vào lưu giữ hoặc chuyển đi xử lý.

Tổ chức, cá nhân sử dụng các phương tiện vận chuyển đặc biệt như container, phương tiện đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển hoặc các phương tiện vận chuyển không được ghi trong Giấy phép xử lý chất thải nguy hại phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Minh Cường (MOITRUONG.COM.VN/TH)

Từ Khóa:  Quản lý chất thải rắn