Bảo vệ môi trường, phát triển bền vững
Đối tượng gây ô nhiễm môi trường chủ yếu là các hoạt động sản xuất của nhà máy, KCN, làng nghề và đời sống sinh hoạt tại các khu đô thị lớn.
Trong nhiều năm qua, tình trạng tách rời công tác bảo vệ môi trường (BVMT) với sự phát triển kinh tế-xã hội diễn ra phổ biến ở nhiều ngành, nhiều địa phương. Đối tượng gây ô nhiễm môi trường chủ yếu là các hoạt động sản xuất của nhà máy, KCN, làng nghề và đời sống sinh hoạt tại các khu đô thị lớn. Vấn nạn này ngày càng trầm trọng, đe dọa trực tiếp sự phát triển kinh tế-xã hội. Vì vậy, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng phát triển Thương hiệu Việt trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp cùng các bộ, cơ quan ban ngành tổ chức hội thảo khoa học BVMT – phát triển bền vững. Chương trình nhằm phổ cập kiến thức về công tác BVMT; tạo sự chuyển biến, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm của doanh nghiệp trong BVMT…
Các tình nguyện viên tham gia dọn sạch đường phố tại sự kiện do Sở TN&MT TP.HCM tổ chức. (Ảnh: Ngọc Châu)
Tuân thủ yêu cầu khắt khe
Tại hội thảo, ThS Phạm Thanh Trực, Trưởng phòng Quản lý môi trường Ban quản lý các KCX và công nghiệp TP.HCM (HEPZA), cho biết theo định hướng của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh quy hoạch phát triển các KCN TP.HCM thì đến năm 2020, chúng ta có tổng cộng 23 KCX, KCN tập trung với tổng diện tích hơn 5.992 ha. Đối với các chủ đầu tư KCN, yêu cầu về lĩnh vực môi trường cần phải tuân thủ là có đầy đủ pháp lý về môi trường; có bộ phận chuyên môn về BVMT để giám sát hoạt động của doanh nghiệp và vận hành hệ thống xử lý nước thải; có mạng lưới thoát nước thải, nước mưa riêng biệt; có nhà máy xử lý nước thải tập trung; đảm bảo diện tích cây xanh theo quy định… Song song đó, từng doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong KCN cũng phải đảm bảo yêu cầu khắt khe về nước thải, khí thải, tiếng ồn, độ rung, phân loại chất thải rắn… Cùng với quy định chặt chẽ nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường tại các KCX-KCN thì đại diện HEPZA cho biết năm 2014 đã lập biên bản vi phạm hành chính ba trường hợp và chuyển UBND TP xử phạt hai trường hợp. Những hành vi vi phạm là xả thải vượt chuẩn cho phép và không thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định với số tiền phạt hơn 778 triệu đồng.
Về công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TP, ThS Nguyễn Trọng Nhân, Phòng Quản lý chất thải rắn Sở TN&MT TP.HCM, chia sẻ hiện nay mỗi ngày TP thu gom, xử lý khoảng 7.200 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Toàn bộ khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được xử lý tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc Củ Chi, huyện Củ Chi và Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước, huyện Bình Chánh. Trong khu vực nội thành, tỉ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đạt 100% và khoảng 80% ở khu vực ngoại thành. Đối với chất thải y tế, tỉ lệ thu gom đạt 100% tại các bệnh viện, trung tâm lớn. Riêng chất thải y tế phát sinh tại các phòng khám nhỏ lẻ thu gom trực tiếp đúng tuyến đạt khoảng 90%, phần còn lại lẫn lộn với chất thải rắn sinh hoạt và được chuyển về bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Đối với vấn đề bùn thải, tại TP.HCM, lượng bùn phát sinh thường xuyên hiện nay khoảng 2.700-3.700 m3/ngày. Năm 2008, TP đã có nhà máy xử lý bùn hầm cầu với quy mô công suất xử lý 500m3/ngày. Giai đoạn 2010-2014, đứng trước nhu cầu xử lý các loại bùn thải, TP đã nhanh chóng cho triển khai nhà máy xử lý bùn tập trung với công suất khoảng 2.500-3.000 m3/ngày.
Đô thị hóa nhanh chóng
Cùng với các vấn đề về chất thải KCX, KCN, chất thải sinh hoạt, bùn thải như đã đề cập ở trên, hội thảo cũng nêu ra một vấn đề quan trọng về đô thị hóa. PGS-TS Lưu Trường Văn, ĐH Quốc tế – ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết chúng ta đang trải qua một trong những quá trình chuyển đổi đô thị nhanh nhất trên thế giới. Sự tác động của nó với môi trường tại Việt Nam làm giảm diện tích đất canh tác; gia tăng ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí và độ che phủ của rừng. Do vậy, đô thị hóa gắn liền với BVMT là điều rất cần thiết, đòi hỏi sự tham gia của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, mọi bộ phận người dân. Theo PGS-TS Tường Văn, các vấn đề môi trường nên được đề cập đầy đủ và quan tâm đúng mức trong quy hoạch xây dựng đô thị. Song song đó, tăng cường các biện pháp hữu hiệu trong chỉ đạo và quản lý quy hoạch xây dựng. Đồng thời thực hiện tốt phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường, không để phát sinh các cơ sở gây ô nhiễm, tiến tới loại bỏ các nguồn gây ô nhiễm môi trường trong quá trình xây dựng các công trình.
Mang lại bầu không khí trong lành, môi trường sạch sẽ, đảm bảo sức khỏe người dân là nhiệm vụ trọng tâm không chỉ của cơ quan chức năng mà còn của mọi thành phần trong xã hội. Và để làm cho TP ngày càng sạch sẽ, xanh mát, trong lành hơn, chúng ta hãy nêu cao tinh thần, ý thức tự giác. Mỗi người chỉ cần ý thức hơn trong từng hành động của mình là đã có thể tạo ra tác động lớn để BVMT.
|