25/06/2015 10:13:42 SA

 

TP.HCM tăng cường quản lý chất thải nguy hại

TP.HCM đang tiến hành xây dựng nhiều kế hoạch nhằm đảm bảo xử lý hoàn toàn lượng chất thải nguy hại, chất thải rắn công nghiệp của TP đến năm 2025.

Theo thông tin từ Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Môi trường và Phát triển, chất lượng môi trường tại Việt Nam đang chịu sức ép nặng nề của sự phát triển kinh tế. Tác động của ô nhiễm môi trường gây ra ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống con người, nhất là vấn đề sức khỏe. Thống kê từ Bộ Y tế, những năm gần đây các bệnh về đường hô hấp có tỉ lệ mắc cao nhất trên cả nước, cụ thể 4,2% dân số mắc bệnh viêm phổi, 3,5% dân số mắc bệnh viêm họng, viêm amidan cấp. Từ một nguồn thống kê khác cho thấy tỉ lệ trẻ em mắc bệnh liên quan tới viêm mũi, viêm họng tại TP Hà Nội và TP.HCM đều cao hơn 41% do ảnh hưởng của chất lượng môi trường không khí.

Quản lý chặt chẽ chất thải nguy hại

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TP.HCM giữ vai trò gắn kết, nối liền giao thương miền Đông – Tây Nam Bộ, tạo động lực quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển chung của cả khu vực. Song song đó hệ sinh thái, thổ nhưỡng phong phú, đa dạng, hệ thống kênh ngòi cùng khí hậu ôn hòa góp phần tạo thành một vùng đất TP.HCM có những thuận lợi cơ bản. Trải qua quá trình phát triển hơn 310 năm, TP đang cố gắng hoàn thiện để từng bước trở nên xanh, sạch, đẹp hơn. Tuy nhiên đứng trước những thách thức về phát triển kinh tế, vấn đề bảo vệ môi trường vẫn là điều đáng bàn tới. Trong thời gian qua, Sở TN&MT TP.HCM đã có nhiều nỗ lực và đưa ra nhiều biện pháp tăng cường quản lý chất thải nguy hại (CTNH) chất thải y tế.

Sở TN&MT TP.HCM thường xuyên tuyên truyền, thu gom chất thải nguy hại từ sinh hoạt của người dân thông qua ngày hội tái chế diễn ra hằng năm. (Ảnh: Ngọc Châu)

Sở TN&MT TP.HCM thường xuyên tuyên truyền, thu gom chất thải nguy hại từ sinh hoạt của người dân thông qua ngày hội tái chế diễn ra hằng năm. (Ảnh: Ngọc Châu)

Tại một hội thảo về môi trường diễn ra mới đây, thông tin từ Sở TN&MT TP.HCM cho thấy năm 2014, ước khoảng 350-400 tấn CTNH phát sinh tại TP mỗi ngày. Việc thu gom, phân loại chất thải rắn công nghiệp, CTNH được thực hiện tại nhà máy ngay từ lúc phát sinh, được lưu chứa trong thiết bị an toàn. Sau khi đủ số lượng sẽ tiến hành thu gom và chuyển về các khu vực xử lý. Một số chất thải công nghiệp không nguy hại có thể tái chế được ngay tại nhà máy sản xuất như nhựa, giấy, thủy tinh…

Đối với chất thải y tế, chín tháng đầu năm 2014, lượng chất thải thu gom ở mức khoảng 16,2 tấn/ngày. Công nghệ xử lý được thực hiện bằng phương pháp đốt với hai lò đốt đang hoạt động là Bình Hưng Hòa (Bình Tân) và công trường Đông Thạnh (Hóc Môn). Tỉ lệ thu gom, xử lý chất thải y tế đạt mức 100% đối với chất thải rắn y tế phát sinh từ các bệnh viện, trung tâm lớn. Riêng chất thải y tế phát sinh tại các phòng khám nhỏ lẻ thu gom trực tiếp đúng tuyến đạt 85%-90%, còn 10%-15% thải lẫn lộn với chất thải rắn sinh hoạt.

Tăng cường quản lý chất thải

Nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ IX, nhiệm kỳ 2010-2015 đã đưa ra chỉ tiêu: Đến cuối năm 2015, thu gom, lưu giữ, xử lý 100% chất thải rắn thông thường ở đô thị, chất thải rắn nguy hại, chất thải rắn y tế, nước thải công nghiệp và y tế; 100% khu công nghiệp, khu chế xuất và cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường Việt Nam.

Trên con đường đạt đến chỉ tiêu này, Sở đã tiến hành nhiều biện pháp nằm trong kế hoạch quản lý của mình. Đó là chủ trương thu gom, xử lý tập trung vào các khu liên hợp xử lý chất thải quy mô lớn, hiện đại, có thể tiếp nhận nhiều loại CTNH, chất thải rắn công nghiệp. Đặc biệt TP đã đồng ý việc triển khai hai dự án xử lý chất thải tập trung của Công ty Mộc An Châu với công suất 500 tấn/ngày. Cộng với các khu liên hợp trên địa bàn TP, những dự án này khi đi vào hoạt động đảm bảo xử lý hoàn toàn lượng CTNH, chất thải rắn công nghiệp của TP đến năm 2025. Song song đó, TP cũng xây dựng các chính sách, biện pháp tăng cường hiệu quả quản lý chất thải thông qua nhiều chương trình. Chẳng hạn, như đẩy mạnh công tác phân loại chất thải rắn tại nguồn; tập trung kiểm soát CTNH tại hộ gia đình; tăng cường kiểm soát hoạt động xử lý CTNH của các nhà máy. Đồng thời có kế hoạch di dời các nhà máy vào khu xử lý chất thải tập trung; đẩy nhanh tiến độ đưa vào vận hành các dự án xử lý chất thải.

Ở đâu cũng vậy, phát triển kinh tế luôn gắn kết chặt chẽ với bảo vệ môi trường. Với những nỗ lực chúng ta đang thực hiện, chắc chắn bức tranh TP.HCM ngày càng trở nên xanh hơn.

Từ Khóa:  Quản lý chất thải rắn