16/07/2015 5:10:33 CH

 

Cấp thiết ngăn chặn sự phát triển của lục bình



Lục bình là một thực vật ngoại lai rất khó kiểm soát. Nó ảnh hưởng không chỉ đến tính đa dạng sinh học mà còn ảnh hưởng đến các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Xuất phát từ vùng Amozon, Nam Mỹ, đến nay lục bình đã phát triển trên hơn 50 quốc gia vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Ở phía Nam Việt Nam, trong những năm qua, sự xuất hiện của lục bình trên các kênh rạch thuộc hệ thống lưu vực sông Đồng Nai ngày càng nhiều và dày đặc. Lục bình phát triển không những cản trở dòng chảy, gây khó khăn cho giao thông đường thủy, các mảng lục bình khi thối rữa còn gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến nguồn nước phục vụ tưới tiêu đồng ruộng cũng như nuôi trồng thủy sản ở những địa phương này.

Do nước thải ô nhiễm

Có thể nhận thấy, tác động xâm hại chính của lục bình bao gồm giảm tính đa dạng sinh học do sự phát triển mạnh mẽ của lục bình ngăn chặn sự phát triển các phiêu sinh, thực vật khác, làm suy giảm ô xy do hạn chế cơ chế trao đổi khí và gây ô nhiễm nguồn nước do lục bình chết, thối rữa. Lục bình cũng là nơi sinh sống của nhiều loài vật có khả năng gây bệnh như muỗi. Sự phát triển dày đặc của lục bình làm hạn chế vấn đề đi lại đường thủy, ảnh hưởng đến các hoạt động tưới tiêu, đánh bắt thủy sản, thủy điện, bơi lội giải trí. Riêng tại TPHCM, sự phát triển nhanh chóng của lục bình trong thời gian qua đã khiến cho toàn bộ hệ thống kênh rạch nội địa bị nghẽn tắc. Những mảng lục bình lớn kết hợp với rác thải thường xuyên bị vứt tràn xuống kênh rạch trở nên đặc quánh. Chức năng lưu thông dòng chảy của hệ thống kênh bị vô hiệu hóa hoàn toàn. Và đây đang là nguyên nhân khiến cho tình trạng thoát nước, giảm ngập của thành phố không thể phát huy hiệu quả cần có.

Lục bình xuất hiện nhiều trên sông sẽ rất đáng quan ngại. Ảnh: CAO THĂNG

Một trong những nguyên nhân phát triển nhanh của lục bình trên các hệ thống sông rạch hiện nay là do tình trạng gia tăng ô nhiễm môi trường. Khảo sát thực tế cho thấy, thông thường, tập tính của loài cây lục bình có vòng đời khá ngắn, chỉ chừng 2 tuần là tự chết để nhường chỗ cho những nhánh cây con. Tuy nhiên, lục bình hiện nay phát triển nhanh hơn mà mảng lớn hơn bình thường. Nhiều mảng lục bình dài tới hơn 1m. Chắc chắn, đây là hậu quả của việc nước sông Sài Gòn, Đồng Nai bị ô nhiễm khiến chúng phát triển quá nhanh, sinh sản nhiều mà sự chết lại chậm đi nên mới dày đặc như vậy.

Hiện nguồn thải chính trên phạm vi lưu vực sông chủ yếu bao gồm các nguồn thải công nghiệp, sinh hoạt, nông nghiệp. Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, hiện dọc hệ thống lưu vực sông Đồng Nai có đến hơn 70 khu chế xuất, khu công nghiệp đang hoạt động với tổng lượng nước thải khoảng hàng trăm ngàn mét khối mỗi ngày. Điều đáng nói là hiện nay vẫn chưa có cơ chế phân bổ nguồn thải công nghiệp, sinh hoạt hợp lý, đảm bảo chất lượng môi trường. Ngoài ra, nguồn thải phân tán từ các hoạt động nông nghiệp vẫn chưa được quan tâm và có đánh giá cụ thể. Bên cạnh đó, phạm vi lưu vực sông đi qua địa nhiều tỉnh, thành phố khác nhau nên việc quản lý còn nhiều bất cập.

Đồng thuận liên vùng

Giảm thiểu và kiểm soát sự phát triển lục bình là hết sức cần thiết và cấp bách. Nhiều phương pháp khác nhau được một số địa phương áp dụng để làm giảm lục bình trong ao hồ, sông rạch. Cụ thể như tại tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, TPHCM và Long An sử dụng lục bình làm biogas; thu gom lục bình bằng hệ thống máy, thiết bị cắt rong, cỏ dại, vớt bèo tây, rác thải nổi trong lòng kênh, mương, hồ chứa nước… Tuy nhiên, có thể nhận thấy là tất cả các phương pháp xử lý tại chỗ cũng chỉ có tác dụng ngắn hạn và chưa kiểm soát hoàn toàn được sự phát triển lục bình. Hiện lục bình vẫn sinh sôi nhanh, vài ngày lại phục hồi thành những mảng lớn gây tắc nghẽn dòng chảy trên sông. 

Để có thể giảm thiểu ô nhiễm và tác hại do lục bình gây ra, không nên chỉ giới hạn trong phạm vi của dòng sông mà còn phải quan tâm đến bài toán quản lý chất lượng nước trên toàn bộ lưu vực. Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho rằng sự phát triển của lục bình có quan hệ mật thiết với hàm lượng ni-tơ, phốt-pho trong nước. Do vậy, việc kiểm soát lục bình đòi hỏi phải kiểm soát hàm lượng các chất dinh dưỡng trên. Công việc này đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa các địa phương trong kiểm soát các nguồn điểm là nhà máy cho đến các nguồn ô nhiễm phân tán từ nông nghiệp, đô thị đến các công tác quy hoạch, sử dụng đất hợp lý. Kế đến thực hiện điều tra, đánh giá chi tiết các nguồn thải trên toàn bộ lưu vực, làm cơ sở cho công tác tính toán tải lượng ô nhiễm tối đa, phân bổ nguồn thải hợp lý trong lưu vực.



Tiến sĩ Nguyễn Hồng Quân
SGGP

Từ Khóa:  Ô nhiễm môi trường nước