16/07/2015 5:13:36 CH

 

TCMT: Xây dựng Quy chuẩn quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt



​Chiều 14/7, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường đã tổ chức họp Tổ soạn thảo nhằm lấy ý kiến góp ý xây dựng, hoàn thiện Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Mai Thanh Dung chủ trì cuộc họp. Cùng tham dự cuộc họp có Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường Nguyễn Thành Yên cùng các thành viên Tổ soạn thảo Quy chuẩn, đại diện của Bộ Khoa học và Công nghệ, các doanh nghiệp và đơn vị có liên quan.
 
Tại cuộc họp, Phó Cục trưởng Nguyễn Thành Yên đã trình bày nội dung Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt (sau đây gọi tắt là Quy chuẩn). Theo đó, Quy chuẩn quy định các yêu cầu kỹ thuật và môi trường đối với lò đốt chất thải rắn sinh hoạt và áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh (phân phối), sử dụng lò đốt chất thải rắn sinh hoạt trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; cơ quan quản lý nhà nước về môi trường; đơn vị lấy, phân tích mẫu và các tổ chức, cá nhân liên quan.
 
Quy chuẩn dự kiến có 05 phần gồm: 1. Quy định chung, 2. Quy định kỹ thuật, 3. Quy định về vận hành, ứng phó sự cố và giám sát, 4. Phương pháp xác định, 5. Tổ chức thực hiện.
 

Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường Nguyễn Thành Yên trình bày nội dung Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt
 
Nội dung của Quy chuẩn quy định rõ về các yêu cầu kỹ thuật cơ bản đối với lò đốt, giá trị tối đa cho phép của các thông số ô nhiễm trong khí thải của lò đốt, quy trình vận hành an toàn cho lò đốt, việc quản lý chất thải phát sinh từ lò đốt, công tác phòng ngừa, ứng phó với sự cố có thể xảy ra, việc giám sát lò đốt,…
 
Tiếp đó, các đại biểu tham dự cuộc họp đã tích cực đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện Quy chuẩn. Theo các đại biểu, cần bổ sung quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt trước khi đưa vào lò đốt, về rủi ro khi vận hành lò đốt, quy định đối với lò đốt theo công nghệ mới như công nghệ plasma; rà soát lại các yêu cầu kỹ thuật cơ bản đối với lò đốt; lựa chọn, giải thích ý nghĩa của câu, từ sử dụng trong Quy chuẩn,…
 
Cũng theo các đại biểu, quy định của Quy chuẩn nên “mềm và mở hơn” nhằm đảm bảo kiểm soát khí thải của lò đốt, bảo vệ môi trường nhưng vẫn khuyến khích các doanh nghiệp nghiên cứu, đầu tư, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
 
Đại biểu tham dự cuộc họp 
 
Kết luận cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng Mai Thanh Dung cảm ơn nỗ lực của các chuyên gia Tổ soạn thảo và ý kiến góp ý rất thực tế của các đại biểu để xây dựng Quy chuẩn.
 
Phó Tổng cục trưởng Mai Thanh Dung chỉ đạo Tổ soạn thảo tiếp thu các ý kiến đóng góp và tiếp tục nỗ lực hoàn thiện Quy chuẩn, bổ sung tiêu chí về quản lý, phân loại chất thải rắn sinh hoạt với các chất thải rắn khác, chú ý sửa đổi, bổ sung, chuẩn hóa các câu từ sử dụng trong Quy chuẩn, tuy nhiên cũng không nên đưa ra các quy định quá “nghiêm ngặt” hay “lỏng lẻo” nhằm đảm bảo thực hiện tốt công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên thực tiễn, tăng cường công tác bảo vệ môi trường.
 
Bên cạnh đó, Phó Tổng cục trưởng Mai Thanh Dung đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục đóng góp ý kiến, cung cấp thêm thông tin, tư liệu cho Tổ soạn thảo nhằm xây dựng Quy chuẩn được sâu và sát với thực tế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường của địa phương nói riêng và của Việt Nam nói chung.
 
(Ảnh trên cùng: Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Mai Thanh Dung (người ngồi giữa) c​hỉ đạo cuộc họp)
Quỳnh Anh
(VEA

Từ Khóa:  Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật