Trong quá trình thanh-kiểm tra, ngành tài nguyên và môi trường cũng đã kiến nghị thu hồi 1.426 ha đất; đôn đốc, kiểm tra thực hiện 176 kết luận thanh tra. Riêng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành 29 cuộc thanh kiểm tra đối với 706 tổ chức, qua đó xử phạt vi phạm hành chính 1 tổ chức với số tiền 515 triệu đồng.
Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm, ngành tài nguyên và môi trường còn tiếp nhận hơn 6.000 lượt đơn thư khiếu nại, tố cáo về đất đai, môi trường, khoáng sản và tài nguyên nước…Đến nay, toàn ngành đã giải quyết 922/1.820 vụ việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm được giao. Riêng Bộ Tài nguyên & Môi trường tiếp nhận 1.719 đơn thư, trong đó lĩnh vực đất đai với 1.683 đơn thuộc lĩnh vực đất đai, chiếm 98% đơn thư.
Thế giới mất thàng trăm tỷ USD do thiên tai
Thống kê cho thấy chỉ trong năm 2014, thiên tai đã gây tổn thất hàng trăm tỷ đô la Mỹ cho kinh tế thế giới; riêng tại châu Á, con số này lên đến hơn 50 tỷ - theo thông tin tại Hội thảo Bảo hiểm Thiên tai Châu Á lần thứ 13 do Asia Insurance Review tổ chức tại TP.HCM hồi đầu tháng 7/2015.
Theo xu hướng đó, AIG đã xây dựng một hệ thống nhân sự chuyên tư vấn và hỗ trợ khách hàng cách tính toán và phòng ngửa tốt nhất những rủi ro có thể xảy ra. Ban đầu các chuyên gia của AIG sẽ khảo sát và đánh giá các rủi ro, xem xét các dữ liệu của các đợt thiên tai trong vỏng từ 10-20 năm để tìm ra giải pháp phù hợp. Kế đó là quá trình phân tích nhằm cho các doanh nghiệp và tổ chức là khách hàng của AIG thấy được những rủi ro này tiềm ẩn ngay trong hoạt động hàng ngày, từ chất lượng và tiêu chuẩn xây dựng, vị trí của thiết bị, dụng cụ, máy móc làm việc cho đến các thói quen của con người. Sau hết, AIG giúp khách hàng tìm cách phòng ngừa, khắc phục và đảm bảo an toàn ở mức cao nhất có thể khi thiên tai xảy ra cùng với việc mua bảo hiểm để đảm bảo an tâm cao , tránh được rủi ro cũng như gián đoạn trong kinh doanh. AIG còn giúp các doanh nghiệp khách hàng lập các đội phản ứng nhanh để xử trí tình huống khi thiên tai xảy ra.
Pháp thiệt hại khoảng 100 tỷ euro mỗi năm do ô nhiễm không khí
Báo cáo từ một ủy ban của Thượng viện Pháp ước tính những tác động tiêu cực của tình trạng ô nhiễm không khí khiến nước Pháp thiệt hại khoảng 100 tỷ euro (110,1 tỷ USD) mỗi năm, với chi phí để bảo đảm sức khỏe cho con người tốn kém rất lớn. Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính tình trạng ô nhiễm không khí là nguyên nhân khiến khoảng 42.000 người tử vong mỗi năm tại Pháp.
Theo nghiên cứu trên, ước tính tác động tài chính của tình trạng ô nhiễm không khí đối với các vấn đề liên quan tới sức khỏe con người vào khoảng 68-97 tỷ euro mỗi năm, trong đó có các chi phí cho điều trị bệnh tật do ô nhiễm không khí gây ra như bệnh về hô hấp hoặc ung thư. Báo cáo nghiên cứu của ủy ban trên cho hay ô nhiễm không khí không chỉ là mối đe dọa đối với sức khỏe con người mà còn là “một tai họa về kinh tế” gây thiệt hại hàng tỷ euro mỗi năm cho Chính phủ và các doanh nghiệp Pháp khi phải chi cho việc điều trị bệnh, hỗ trợ tài chính cho các lao động phải nghỉ ốm vì vấn đề ô nhiễm, làm giảm năng suất, giảm hoa lợi và công việc vệ sinh các tòa nhà cũng như đường phố.
Leonardo DiCarprio góp 15 triệu USD cứu trái đất
Ngày 14/7, trên website của mình, Leonardo DiCarprio đã tuyên bố ủng hộ 15 triệu USD cho gần 30 tổ chức bảo vệ môi trường để hỗ trợ cho các hoạt động cứu lấy trái đất. Một số tổ chức được nhận tiền từ quỹ cá nhân của Leonardo DiCarprio có thể kể đến Amazon Watch, National Geographic: Pristine Seas, Wildlife Conservation Society, the International Fund for Animal Welfare, Save the Elephants, the Conservation Land Trust, Tree People, Oceans 5, World Wildlife Fund…
Leonardo DiCarprio nhấn mạnh: “Hành tinh chúng ta đang bị phá hủy trầm trọng khiến chúng ta không thể phớt lờ” và thổ lộ niềm tự hào khi được chung tay giúp sức với các các tổ chức vì môi trường - những đơn vị mà theo anh đang giải quyết một vấn đề mang tính “thách thức lớn nhất đối với loài người”.
Người Thụy Sĩ áp dụng chế độ ăn nhiều rau để bảo vệ môi trường
Theo nghiên cứu mới đây của Thụy Sĩ, thời tiết khắc nghiệt như hiện nay một phần là do thói quen ăn uống của con người, nhất là thực đơn nhiều thịt của người châu Âu và Bắc Mỹ. Giới trẻ hiện nay có ý thức hơn với các vấn đề môi trường cũng như tình trạng khan hiếm các nguồn tài nguyên thiên nhiên, do đó lớp trẻ Thụy Sĩ sẵn sàng trả tiền cho những bữa ăn thân thiện với môi trường.
Công ty Thụy Sĩ Compass Group đang áp dụng cung cấp các bữa ăn "xanh" cho chuỗi 44 quán ăn khắp đất nước với mong muốn góp phần giảm khí thải độc hại. Giám đốc điều hành của Compass Frank Keller đang lên kế hoạch cho các bữa ăn giảm tối đa những thực phẩm liên quan đến khí thải CO2, đặc biệt là thực đơn "ngày Thứ Hai đầu tuần không có thịt." Hiện tại, người dân Thụy Sĩ đã bắt đầu hình thành thói quen mỗi tuần ăn ba bữa thân thiện với môi trường.
Cách mặt đất 644Km có một đại dương rất rộng lớn?
Sau nhiều thập kỷ tiên đoán và nghiên cứu lý thuyết, các nhà khoa học vừa công bố là họ đã tìm ra một đại dương rộng lớn ở lớp mantle của ruột trái đất. Họ nói là đại dương trong lòng đất này chứa lượng nước gấp 3 lần lượng nước của tất cả đại dương trên mặt đất. Giáo sư Graham Pearson, đại học University of Alberta, Canada, phát biểu: " Nghiên cứu cho thấy khả năng tồn tại một siêu trữ lượng nước sâu trong lòng đất là rất cao, dữ liệu chỉ ra là lượng nước này có thể bằng tổng lượng nước của tất cả đại dương trên mặt đất"
Phát hiện này đồng thời cũng làm vững chắc hơn giả thuyết là nước trên mặt đất (bao gồm biển, đại dương, sông hồ) là nước bị ép từ lòng đất ra, chứ không phải đến từ ngoài hành tinh hoặc do các thiên thạch băng va vào trái đất. Phát hiện này mở ra nhiều khả năng cũng như giả thuyết, là liệu Trái đất có rỗng ruột hay không, hoặc thậm chí có khả năng có một thế giới nào đó tồn tại sâu trong lòng đất hay không?
Mai Anh (MOITRUONG.COM.VN/TH)