23/07/2015 4:48:55 CH

 

Cần tạo liên kết trong quản lý tài nguyên nước







 
Sông ngòi Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức

Việt Nam một quốc gia có hệ thống sông ngòi dày đặc với gần 3000 con sông lớn nhỏ song vẫn rơi vào tình trạng thiếu nước. Đặc biệt những năm gần đây, ngay cả trong mùa mưa, ở nhiều nơi vẫn xảy ra hạn hán, thiếu nước cục bộ. Vậy có phải Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước ngày càng trầm trọng hay không? Tiến sĩ Lê Anh Tuấn thuộc Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu – Đại học Cần Thơ đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường xung quanh vấn đề này.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây, tiến sĩ đã đưa ra nhận định nước ta là quốc gia thiếu nước. Vì sao ông lại đưa ra nhận định này, khi hiện đang có 2.732 con sông đang chảy trên đất nước ta?

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn: Như chúng ta đều biết, Việt Nam là một đất nước nằm trong vùng châu Á gió mùa, có lượng mưa khá lớn, xấp xỉ 2.000 mm/năm, cả nước có đến 2.732 con sông có chiều dài trên 10 km và khá nhiều chi lưu, dòng suối, hồ đầm, có nguồn nước ngầm hiện diện tương đối đều khắp và có một vùng bờ biển dài và rộng. Với ưu thế địa lý tài nguyên như vậy, nhiều người vẫn nghĩ rằng nguồn nước ở VN rất dư thừa dẫn đến sử dụng nguồn nước khá lãng phí. Nhưng nếu cộng tất lượng nước phát sinh trên toàn lãnh thổ Việt Nam mà chia cho đầu người thì chúng ta chỉ nhận được 3.370 m3/năm, trong khi đó số liệu trung bình trên thế giới là 7.400 m3/người/năm. Theo chỉ tiêu đánh giá của Hội Tài nguyên nước quốc tế (IWRA), quốc gia thiếu nước nếu chưa có đến 4.000 m3/người/năm.

Đối với Việt Nam việc quản lý nước còn khó khăn hơn do phân phối nước không đều. Mùa mưa lũ thì thừa trong khi mùa khô hạn thì nước lại thiếu. Nếu mùa mưa thì lượng nước tính trên đầu người không thiếu nhưng do mùa khô ở nước ta kéo dài từ 5 tới 6 tháng trong khi đó lượng mưa rất ít. Nếu chia hệ số lượng nước cho đầu người thì sẽ rất thấp. Đặc biệt có nhiều chỗ như hệ thống sông Đồng Nai với lượng nước phát sinh hơn 40 tỷ m3 nhưng dân số sử dụng nước là rất lớn, thành ra nếu chia bình quân thì lưu vực sông này lại là nơi thiếu nước nghiêm trọng nhất. Đó mới là tổng lượng nước còn chất lượng nước đang còn gặp nhiều vấn đề vì khu vực này là một vùng kinh tế năng động. Nước đã ít nhưng chất lượng nước cũng đang chịu nhiều thách thức bởi ô nhiễm khiến áp lực về nước càng trở nên căng thẳng. Chính vì vậy, có thể khẳng định Việt Nam là quốc gia đang thiếu nước.

Rõ ràng, như ông phân tích, vào mùa mưa chúng ta được hưởng một lượng nước khá dồi dào, song không đều giữa các khu vực và không đồng đều giữa các mùa. Vậy theo ông đâu là “nút thắt” trong quản lý và điều phối tài nguyên  nước hiện nay, thưa ông?

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn: Việc quản lý nước ở Việt Nam hiện nay đang gặp rất nhiều thách thức. Thứ nhất, do việc phân phối nước không đồng đều giữa mùa mưa và mùa khô. Thứ hai, là hầu hết các con sông của Việt Nam đều là sông nhỏ còn các sông lớn thì đều bắt nguồn từ nước ngoài. Có những con sông như sông Cửu Long, sông Hồng tới 80 -85%  nguồn nước bắt nguồn từ nước ngoài. Chúng ta sử dụng nước thì các quốc gia phía trên cũng có nhu cầu sử dụng và tìm mọi cách để giữ nguồn nước ở lại như việc xây dựng đập thủy điện, hồ chứa hoặc chuyển nước đi khu vực khác càng làm cho áp lực nước ở quốc gia hạ lưu như Việt Nam càng trở nên căng thẳng. Thứ ba, đó là do nguy cơ biến đổi khí hậu gây ra mưa thất thường càng làm cho lượng nước càng trở nên thất thường khiến chúng ta không chủ động được nguồn nước. Thứ tư, do các con sông của chúng ta đều đổ ra biển nên khả năng xâm nhập mặn rất là lớn làm ảnh hưởng tới chất lượng nước. Thứ năm, do việc bùng nổ dân số và Việt Nam đang trong tiến trình công nghiệp hóa khiến nguồn nước phải hứng chịu nhiều nguồn thải ô nhiễm. Bên cạnh đó, Việt Nam còn là quốc gia sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản lớn chính vì vậy, ô nhiễm hữu cơ từ sản xuất nông nghiệp và thủy sản cũng đang là nguy cơ lớn gây ô nhiễm nguồn nước. Chính những nguyên nhân này đang là thách thức cho việc quản lý bền vững và hiệu quả nguồn nước ở Việt Nam.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn 

*  Đứng trước những thách thức này, theo ông chúng ta có những giải pháp gì cho vấn đề hài hòa lợi ích và tạo sự liên kết trong sử dụng nguồn nước giữa các quốc gia có chung dòng chảy cũng như với các địa phương cùng được hưởng thụ nguồn nước trên lưu vực sông, thưa ông?

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn: Theo lý thuyết, các nước cùng sử dụng nguồn nước của một con sông thường lập ra các Ủy ban như Ủy ban sông Mê Kông để điều phối cũng như chia sẻ thông tin trong việc quản lý, sử dụng nguồn nước. Tuy nhiên đó chỉ là mặt lý thuyết còn thực chất thì quốc nào gia nào cũng đều nghĩ tới việc làm sao sử dụng nguồn nước đạt hiệu quả cao nhất. Đồng thời, quốc gia đó sẽ tìm mọi cách đễ giữ lại nguồn nước phục vụ lợi ích của chính mình. Các quốc gia đã ký kết nhiều hiệp ước nhưng hiệp ước này chỉ mang tính chia sẻ hơn là sự ràng buộc. Ví dụ như trên lưu vực sông Mê Kông thì Hiệp định sông Mê Kông đã đưa ra quy định về chia sẻ thông tin, tham vấn…nhưng không có quyền phủ quyết cho làm hay không thì không có hiệu lực. Đây thực sự là một thách thức đối với việc quản lý sử dụng nguồn nước, đặc biệt là với quốc gia hạ lưu như Việt Nam. Chúng ta chỉ mới dừng lại trong việc trao đổi thông tin, học thuật chứ thực sự chưa có biện pháp quản lý hiệu quả và bền vững nguồn nước.Chính vì vậy, Việt Nam cần phải tăng cường hơn nữa tính pháp lý trong hiệp định quản lý xuyên biên giới, đảm bảo hài hòa lợi ích của các nước.

Đối với việc quản lý nguồn nước trên các lưu vực sông trong nước, thời gian tới chúng ta cần phải xây dựng được một chương trình tổng thể nhằm quản lý nguồn nước, tránh tình trạng mỗi tỉnh đều xây dựng một chương trình quản lý nguồn nước riêng. Bởi nguồn nước không thể theo biên giới hành chính mà phải quản lý tổng hợp và mang tính khu vực. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả và sự phối hợp thông suốt giữa trung ương và đia phương trong việc kiểm soát nguồn thải ra các lưu vực song, kiểm soát ô nhiễm môi trường trên mạng lưới sông ngòi.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Nguyễn Cường (thực hiện)/monre.gov.vn


Từ Khóa:  Quản lý tài nguyên nước  Tài nguyên nước