04/08/2015 8:20:11 SA

 

Việt Nam sẵn sàng chung tay giảm phát thải khí nhà kính

Để ứng phó với những hậu quả của biến đổi khí hậu (BĐKH) như nhiệt độ cao, nước biển dâng, gia tăng thiên tai, thay đổi cảnh quan, thiệt hại kinh tế,… cộng đồng quốc tế và Việt Nam đã chung tay bảo vệ và phát triển rừng, thông qua sáng kiến cung cấp hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển để giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ hệ thống khí hậu toàn cầu (REDD+).

Với 13,86 triệu ha rừng, dự tính Việt Nam có thể nhận được khoảng 80-100 triệu USD mỗi năm từ việc bán quyền phát thải khí nhà kính cho các nước công nghiệp (Ảnh: Nhân Dân)

Với 13,86 triệu ha rừng, dự tính Việt Nam có thể nhận được khoảng 80-100 triệu USD mỗi năm từ việc bán quyền phát thải khí nhà kính cho các nước công nghiệp (Ảnh: Nhân Dân)

Tác động của biến đổi khí hậu tới Việt Nam

BĐKH có ảnh hưởng lớn đến Việt Nam. Các lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất là nông nghiệp, an ninh lương thực, lâm nghiệp, ngư nghiệp, công nghiệp, năng lượng, giao thông vận tải, du lịch và y tế công cộng. Theo Văn phòng Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH, trong giai đoạn 2001-2010, Việt Nam có 9.500 người chết và mất tích liên quan đến tác động của BĐKH. Thiệt hại kinh tế lên đến 1,5% GDP mỗi năm.

Trong 50 năm qua, nhiệt độ trung bình năm tăng khoảng 0,5oC đến 0,7oC, mực nước biển tăng khoảng 20 cm; lượng mưa tăng trong mùa mưa và giảm vào mùa khô, nhiều bão lũ hơn; các đợt không khí lạnh ở miền bắc giảm từ 288 đợt trong giai đoạn 1971-1980 xuống 249 đợt giai đoạn 1991-2000; các luồng khí nóng xuất hiện nhiều hơn trong giai đoạn 1991-2000, đặc biệt là ở miền trung và miền nam.

Theo kịch bản BĐKH nước biển dâng ở Việt Nam, do Bộ Tài nguyên – Môi trường công bố năm 2012, thì với kịch bản phát thải trung bình, đến cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình tăng từ 2oC đến 3oC trên hầu hết các khu vực trong cả nước. Riêng khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị có nhiệt độ trung bình tăng nhanh hơn so với những nơi khác. Nhiệt độ thấp nhất trung bình tăng từ 2,2oC đến 3oC, nhiệt độ cao nhất trung bình tăng từ 2oC đến 3,2oC, gây hiện tượng nắng nóng. Số ngày có nhiệt độ cao nhất trên 35oC tăng từ 15 – 30 ngày trên phần lớn diện tích cả nước.

Xu thế chung là lượng mưa mùa khô giảm và lương mưa mùa mưa tăng. Trung bình toàn Việt Nam, mực nước biển dâng trong khoảng từ 57cm – 73cm. Nếu mực nước biển dâng 1m, trên 2,5% diện tích thuộc các tỉnh ven biển miền trung có nguy cơ bị ngập, gần 9% dân số các tỉnh ven biển miền Trung bị ảnh hưởng trực tiếp.

Khu vực đổ bộ của các cơn bão và áp thấp nhiệt đới có xu hướng lùi dần về phía nam lãnh thổ nước ta, số lượng các cơn bão rất mạnh có xu hướng gia tăng, với mức độ ảnh hưởng mạnh lên, mùa bão có dấu hiệu kết thúc muộn hơn.

Cộng đồng quốc tế và Việt Nam ứng phó với BĐKH thông qua bảo vệ và phát triển rừng

Từ năm 2005, các quốc gia tỏ rõ sự quan tâm về mối liên hệ giữa tình trạng mất rừng và BĐKH. Tại cuộc họp Hội nghị các nước thành viên lần thứ 11 (COP11) của Công ước khung của Liên hợp quốc, khái niệm “Giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng” (gọi tắt là REDD) lần đầu tiên được thảo luận. Đến COP13 tại Bali năm 2007, thêm ba hoạt động được giới thiệu để hình thành REDD+ là quản lý rừng bền vững, bảo tồn trữ lượng các-bon rừng và nâng cao trữ lượng các-bon rừng.

Một số chương trình song phương và đa phương đã được thiết lập để cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho việc sẵn sàng REDD+, thí dụ như Chương trình hợp tác của Liên hợp quốc về giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng ở các nước đang phát triển (gọi tắt là Chương trình UN-REDD), Quỹ Đối tác các-bon trong Lâm nghiệp (FCPF) thông qua Ngân hàng Thế giới.

Ở Việt Nam, một loạt các chính sách, văn bản pháp luật, chương trình đã được xây dựng và triển khai thực hiện nhằm thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Cụ thể là Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với BĐKH, Chiến lược quốc gia về BĐKH và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Chiến lược Phát triển rừng quốc gia năm 2006, Kế hoạch phát triển và bảo vệ rừng quốc gia giai đoạn 2011-2020 và Chương trình Chi trả cho dịch vụ môi trường (Nghị định 99/NĐ-CP, 12/2010).

Việt Nam cũng tích cực tham gia Chương trình UN-REDD và FCPF vì REDD+ là một trong những biện pháp quan trọng để đạt được các mục tiêu chính sách nêu trên. Năm 2012, Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch hành động về REDD+ quốc gia giai đoạn 2011-2020 (Quyết định 799/QĐ-TTg). Kế hoạch hành động REDD+ quốc gia được coi là một trong những tài liệu quan trọng nhất trong việc thực hiện REDD+ và nỗ lực giảm nhẹ biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

GS-TS Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng hướng dẫn phương pháp đo đạc sinh khối rừng và tính lượng các bon hấp thụ cho khu rừng lim ở xóm Bái Yên, xã Dân Chủ, tỉnh Hòa Bình (Ảnh: Nhân Dân)

GS-TS Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng hướng dẫn phương pháp đo đạc sinh khối rừng và tính lượng các bon hấp thụ cho khu rừng lim ở xóm Bái Yên, xã Dân Chủ, tỉnh Hòa Bình (Ảnh: Nhân Dân)

Việt Nam là một trong 19 nước thực hiện Chương trình REDD+ đã nhận tài trợ từ Quỹ đối tác các-bon toàn cầu, với tổng số tiền tài trợ 830 triệu USD, do các nước phát triển đóng góp. GS. TS Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng cho biết, Việt Nam thực hiện REDD+ theo nhiều giai đoạn. Từ năm 2016 – 2020, Việt Nam sẽ chính thức triển khai thực hiện REDD+ trên cả nước để bán quyền phát thải khí nhà kính cho các nước phát triển.

Theo đó, các nước phát triển sẽ chi trả cho các hoạt động trồng rừng để hấp thụ khí CO2 thông qua các thông số kỹ thuật đo đạc được. Hiện nay, Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng đã tìm ra phương pháp đo đạc sinh khối rừng và tính được lượng các-bon hấp thụ cho các khu rừng, làm cơ sở cho việc chi trả tiền REDD+ cho các chủ rừng. Phương pháp này đã được quốc tế công nhận.

Mục đích chính của REDD+ là nhằm giảm thiểu BĐKH toàn cầu. REDD+ cũng có tiềm năng mang lại các lợi ích về môi trường, xã hội cho các quốc gia tham gia thực hiện.

Theo GS. TS Võ Đại Hải, Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, trong giai đoạn 2008-2015, Chương trình UN-REDD+ đã tài trợ 246 triệu USD cho 56 quốc gia thực hiện REDD+ trên thế giới, trong đó, Việt Nam nhận được 30 triệu USD cho thực hiện pha 2 của chương trình.

Việt Nam đang chuyển từ giai đoạn hỗ trợ sẵn sàng thực hiện sang giai đoạn thực thi REDD+ – giai đoạn tiến hành mua bán quyền phát thải khí nhà kính. Với 13,86 triệu ha rừng, dự tính Việt Nam có thể nhận được khoảng 80-100 triệu USD mỗi năm từ việc bán quyền phát thải khí nhà kính cho các nước công nghiệp, gấp từ ba đến bốn lần vốn ODA cho lâm nghiệp hiện nay và hứa hẹn là khoản thu nhập đáng kể cho nghề rừng nói chung và các chủ rừng trồng và bảo vệ rừng nói riêng.

REDD+ có thể đem lại những lợi ích môi trường và xã hội nhưng cũng tiềm ẩn những rủi ro về môi trường xã hội nếu các chương trình REDD+ khi thiết kế chỉ tập trung vào các mục tiêu giảm phát thải.

TS. Hoàng Liên Sơn, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã chỉ ra một số rủi ro tiềm ẩn khi triển khai REDD+ đối với người dân địa phương như việc chuyển đổi rừng tự nhiên sang rừng trồng và các mục đích sử dụng đất khác có giá trị đa dạng sinh học và khả năng phục hồi thấp. Bên cạnh đó, các dân tộc và cộng đồng thiểu số sống phụ thuộc vào rừng buộc phải di rời khỏi nơi sinh sống theo tập tục của họ.

TS. Sơn cho rằng, việc trồng rừng phục vụ cho REDD+ cũng có thể làm xói mòn hay mất quyền do không được sử dụng đất đai, lãnh thổ hay tài nguyên; mất kiến thức về sinh thái; mất đời sống nông thôn truyền thống; mất công bằng xã hội khi phân chia quyền lợi, những người khá giả sẽ nắm bắt quyền phân bổ lợi ích từ REDD+ cũng như mất quyền hay hạn chế quyền tiếp cận các sản phẩm rừng có vài trò quan trọng trong đời sống của người dân địa phương.

Quá trình thực hiện REDD+ không bài bản có thể tạo ra khuôn khổ chính sách quốc gia chồng chéo và cản trở lẫn nhau, những lợi ích khác của rừng bị đánh đổi để tối đa hóa lợi ích các-bon và xung đột giữa con người và động vật hoang dã vì bảo vệ rừng tốt hơn sẽ làm tăng số lượng động vật phá hại cây trồng, ông Sơn cho biết.

Nhằm hạn chế những rủi ro nêu trên, việc triển khai REDD+ cần được thiết kế nhằm không chỉ tập trung vào những mục tiêu giảm phát thải mà đồng thời có thể hỗ trợ phát triển sinh kế bền vững, tăng cường các giá trị đa dạng sinh học và những lợi ích của hệ sinh thái, thúc đẩy phát triển bền vững, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Từ Khóa:  Phát thải khí nhà kính