04/08/2015 8:21:05 SA

 

Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết bảo vệ loài voi và tê giác

Với sự ủng hộ của hơn 70 nước thành viên Liên Hợp Quốc, ngày 30/7, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết kêu gọi các nước thành viên nỗ lực hơn nữa trong cuộc chiến bảo vệ hai loài động vật voi và tê giác.

Đây là nghị quyết đầu tiên của Đại hội đồng về lĩnh vực này cho dù không có sự ràng buộc về mặt pháp lý. Nghị quyết cũng là sự phản đối của quốc tế đối với nạn săn bắn bất hợp pháp đối với các loài động vật hoang dã. Gabon và Đức là hai nước bảo trợ cho nghị quyết.

Nghị quyết khuyến khích các nước thành viên Liên Hợp Quốc và các quốc gia tiêu thụ những sản phẩm có nguồn gốc từ voi và tê giác có các biện pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn nạn buôn bán, giết hại hai loài vật trên; đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ về mặt pháp lý ở cấp quốc gia nhằm truy tố, điều tra những hành vi buôn bán trái pháp luật, coi những hành động này là tội ác nghiêm trọng.

Nghị quyết cũng bày tỏ quan ngại trước tình trạng gia tăng săn bắt tê giác và voi ở châu Phi vốn đang đe dọa sự tuyệt chủng của hai loài vật này không chỉ ở khu vực, mà còn trên phạm vi toàn cầu.

Đàn voi châu Phi tại Công viên Quốc gia Addo Elephant, Nam Phi (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đàn voi châu Phi tại Công viên Quốc gia Addo Elephant, Nam Phi (Ảnh: AFP/TTXVN)

Phát biểu tại Liên Hợp Quốc sau khi nghị quyết được thông qua, Tổng Giám đốc Quỹ Động vật hoang dã Quốc tế (WWF) Marco Lambertini cho rằng nghị quyết không chỉ là vấn đề môi trường mà đã hay giới hạn việc cấm săn bắt động vật hoang dã ở một số quốc gia, mà còn trở thành ưu tiên ở mọi quốc gia trên toàn thế giới.

Ngoại trưởng Gabon Emmanuel Issoze nhấn mạnh đây là một bước tiến lịch sử của cộng đồng quốc tế trong việc ngăn chặn hiện tượng săn bắt lấy ngà voi và sừng tê giác.

Theo số liệu không chính thức, hiện ở châu Phi còn khoảng 470.000 cá thể voi sống trong môi trường hoang dã, giảm nhiều so với mức 550.000 con năm 2006. Tuy nhiên, mỗi năm có tới hơn 30.000 cá thể voi bị giết hại, đe dọa nghiêm trọng đến sự sinh tồn của loài vật này.

Trung Quốc đứng đầu trong số các nước và vùng lãnh thổ tiêu thụ ngà voi, với con số lên tới 70% tổng lượng ngà voi của thế giới. Kenya và Tanzania cũng có liên quan nhiều đến nạn buôn bán ngà voi. Trong khi đó, số phận của loài tê giác cũng đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Kể từ năm 2007, hàng trăm con tê giác ở Công viên quốc gia Kruger tại Nam Phi đã bị săn bắt trộm để bán sừng cho các nước châu Á. Loài tê giác cũng được cho là đã bị tuyệt chủng tại Mozambique (từ năm 2013) và ở nhiều nước khác.

Nguồn:

TTXVN

Từ Khóa:  Bảo tồn đa dạng sinh học