Bình Dương: Nỗ lực trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường 2011-2015
Hoạt động quan trắc nước dưới đất ở Bình Dương
Bình Dương là một tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ và nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, khu vực kinh tế năng động nhất trong cả nước. Cùng với quá trình phát kinh tế - xã hội thì môi trường tỉnh Bình Dương cũng chịu một áp lực lớn trong thời gian qua. Do vậy, việc đánh giá hiện trạng, diễn biến môi trường của Bình Dương, xác định các vấn đề môi trường cấp bách và đề xuất các giải pháp nhằm khắc phục và giải quyết các vấn đề môi trường nảy sinh là nhiệm vụ quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường.
Thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Bình Dương đã có Báo cáo Hiện trạng môi trường tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011 - 2015. Báo cáo này được xây dựng theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Báo cáo cũng đã được xây dựng dựa trên số liệu quan trắc nhiều năm của Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương, các số liệu điều tra, thống kê của Cục Thống kê và các ngành… nhằm đánh giá hiện trạng, diễn biến môi trường của tỉnh trong 5 năm qua, xác định các vấn đề môi trường cấp bách hiện nay và đề xuất phương hướng, giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại và giải quyết các vấn đề môi trường nảy sinh trong thời gian tới, đảm bảo phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Thực trạng quản lý môi trường 2011 - 2015
Theo Báo cáo Hiện trạng môi trường tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011 - 2015, Bình Dương đã nỗ lực triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ và giải pháp về bảo vệ môi trường, nhờ đó đến nay các chỉ tiêu về môi trường mà Nghị quyết Tỉnh ủy Bình Dương và Trung ương đề ra cho cả giai đoạn 2011 - 2015 đều đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức; ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch, cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường như: Chương trình hành động của Tỉnh ủy và Kế hoạch bảo vệ môi trường của tỉnh giai đoạn 2011 - 2015; Kế hoạch triển khai Đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011 - 2015...
Bình Dương cũng đã quan tâm đến việc đầu tư các công trình, dự án xây dựng hạ tầng, trang bị cơ sở vật chất, xử lý chất thải. Tổng vốn đầu tư đã giải ngân cho các dự án môi trường từ năm 2011 đến nay là 3.626 tỉ đồng, trong đó, nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản là 1.570 tỉ đồng, nguồn vốn sự nghiệp môi trường là 783,5 tỉ đồng và vốn ODA là 2.056 tỉ đồng. Bình Dương đã đầu tư trang bị thêm hệ thống quan trắc nước mặt, nước dưới đất và nước thải tự động kinh phí trên 60 tỉ đồng; đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường, góp phần nâng cao năng lực quản lý. Chương trình quan trắc tài nguyên và môi trường hàng năm trên địa bàn Bình Dương với số lượng các điểm quan trắc tăng từ 42 điểm năm 2009 lên 100 điểm năm 2014.
Không chỉ gia tăng nguồn vốn đầu tư, việc xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường tiếp tục được triển khai thực hiện nên ngoài nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, Bình Dương đã tranh thủ được nguồn vốn ODA để đầu tư các dự án xử lý chất thải, thu gom xử lý nước thải và tạo điều kiện để xã hội hóa việc thu gom, xử lý chất thải rắn. Quỹ Bảo vệ môi trường Bình Dương đã được tỉnh đầu tư với tổng vốn 100 tỷ đồng và đã cho 40 dự án của doanh nghiệp vay vốn với số tiền là 90 tỷ đồng để xây dựng các công trình xử lý chất thải nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.
Trong 5 năm qua, công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường ngày càng được tăng cường cả chiều rộng lẫn chiều sâu, Bình Dương tiến hành thanh kiểm tra về bảo vệ môi trường được 4.545 đơn vị, xử phạt 1.315 đơn vị vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường với số tiến trên 30 tỉ đồng. Do tăng cường công tác thanh kiểm tra, ý thức chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp cũng được nâng cao, góp phần từng bước đưa công tác quản lý nhà nước bảo vệ môi trường đi vào nề nếp, đúng định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thực hiện Nghị quyết và chủ trương của Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường về kinh tế hóa lĩnh vực tài nguyên và môi trường, trong những năm qua, Bình Dương đã quan tâm đẩy mạnh khai thác các nguồn thu trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, từ năm 2010 – 2014 đã thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp với tổng số tiền 14,9 tỷ đồng. Hiện Bình Dương đang triển khai thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt ước đạt được trên 40 tỉ
Ngành Tài nguyên và Môi trường Bình Dương còn xây dựng và đưa vào sử dụng Cổng thông tin trực tuyến quản lý môi trường Bình Dương có thể cung cấp dịch vụ công mức độ 3; hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường của các cơ sở sản xuất công nghiệp cũng đã được thiết lập và có thể truy cập trực tuyến, đến nay cấp tỉnh Bình Dương đã cập nhật xong cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp với 2.500 cơ sở sản xuất, cấp huyện đã cập nhật 1.200 cơ sở, đạt 60% tổng số cơ sở sản xuất công nghiệp cần quản lý.
Bình Dương đã điều tra cơ bản tài nguyên khoáng sản, nước ngầm và đa dạng sinh học để quy hoạch, bảo vệ, chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý nhằm khai thác và sử dụng một cách hợp lý; ban hành Kế hoạch hành động đa dạng sinh học đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 với 10 dự án ưu tiên thực hiện với kinh phí là 19 tỷ đồng; ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó giai đoạn 2013 - 2015 với 7 dự án phi công trình và 1 công trình với kinh phí là 14 tỷ đồng để chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu trong tương lai.
Theo Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương, công tác quản lý, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong 5 năm qua có nhiều thuận lợi bởi tình hình chính trị trên địa bàn tỉnh ổn định, quốc phòng - an ninh được đảm bảo, trật tự xã hội được giữ vững; được sự quan tâm lãnh đạo và giúp đỡ của Trung ương, địa phương; sự phối hợp của các ngành, các cấp; sự đồng tình ủng hộ của các doanh nghiệp và nhân dân.
Bên cạnh những thuận lợi, Bình Dương cũng gặp không ít khó khăn, thách thức do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; nền kinh tế của tỉnh thời gian qua tuy phát triển nhanh nhưng có mặt chưa bền vững; quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra tốc độ cao đã tạo ra nhiều áp lực đối với môi trường trên địa bàn tỉnh. Trong bối cảnh đó, với tinh thần đoàn kết, chủ động và quyết tâm cao, Bình Dương đã nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những kết quả quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường.
Định hướng bảo vệ môi trường 2016 - 2020
Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương cho biết, giai đoạn 2016 - 2020, để giữ vững mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, Bình Dương tiếp tục khẳng định quan điểm về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh là bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu, vừa là một trong những nội dung cơ bản của phát triển của tỉnh triển bền vững; phải được lồng ghép trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành và từng địa phương; bảo vệ môi trường phải theo phương châm lấy phòng ngừa là chính, đi đôi với kiểm soát, xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái, cải thiện môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Bên cạnh đó, xây dựng Bình Dương là nơi có môi trường sống tốt, có sự hài hòa giữa tăng tưởng kinh tế và bảo vệ môi trường; kết hợp tốt các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong các quy hoạch, dự án phát triển; tiếp tục cải thiện chất lượng môi trường trong các khu dân cư, đô thị; quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên nước mặt, nước dưới đất, đất đai, khoáng sản; đảm bảo cân bằng sinh thái và đa dạng sinh học; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, đi đôi với việc đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ ý thức đến hành động về bảo vệ môi trường trong cộng đồng và doanh nghiệp.
Mặt khác, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh; nâng cao chất lượng lập quy hoạch và quản lý quy hoạch trên các lĩnh vực liên quan đến bảo vệ môi trường; tăng cường kết hợp thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong khi lập, phê duyệt và triển khai thực hiện các quy hoạch phát triển; ưu tiên phát triển công nghiệp có hàm lượng giá trị gia tăng cao, sạch, thân thiện với môi trường, tiết kiệm nguyên liệu; không tiếp nhận những dự án có khả năng gây ô nhiễm môi trường, hạn chế bố trí các dự án sản xuất công nghiệp vào thị xã Thuận An, thị xã Dĩ An, thành phố Thủ Dầu Một và những khu vực chưa có hệ thống hạ tầng thoát nước trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, tăng cường công tác hậu kiểm sau khi cấp phép đầu tư và kiên quyết không cho những cơ sở mới chưa đầu tư hệ thống xử lý chất thải theo quy định đi vào hoạt động; không cho các cơ sở sản xuất trong khu công nghiệp xả nước thải trực tiếp ra môi trường; các khu công nghiệp, khu dân cư chưa hoàn thiện hạ tầng kỷ thuật liên quan đến môi trường thì chưa cho đi vào hoạt động; nâng cao năng lực quan trắc và thông tin môi trường theo hướng mở rộng đối tượng phải quan trắc tự động nước thải, khí thải; tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống các trạm quan trắc nước thải, khí thải, nước mặt và nước ngầm tự động; kiểm kê và xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn thải để có biện pháp kiểm soát, xử lý, khắc phục kịp thời; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp; xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm môi trường, không để phát sinh mới các điểm nóng về môi trường trên địa bàn Bình Dương.
Theo Tường Tú/monre.gov.vn
|