24/08/2015 2:23:51 CH

 

Bắc Giang bảo vệ môi trường các sông, hồ









 
Ảnh minh họa

Để hạn chế nguy cơ gia tăng ô nhiễm 3 dòng sông chính là: Sông Thương, sông Cầu và sông Lục Nam cùng hệ thống ao hồ, kênh mương trên địa bàn tỉnh, Bắc Giang đang tích cực bảo vệ môi trường để bảo vệ nguồn nước mặt quan trọng này.

* “Báo động đỏ” ô nhiễm

Theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Giang, môi trường nước mặt tại các sông, hồ đang chịu nhiều áp lực từ nguồn xả thải của sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, làng nghề, y tế và sinh hoạt. Ước tính mỗi ngày hệ thống sông hồ phải tiếp nhận gần 390 nghìn m3. Nước thải sinh hoạt ở cả 9 huyện trên địa bàn tỉnh cũng chưa có hệ thống thu gom và xử lý.  TP Bắc Giang là đơn vị duy nhất được đầu tư trạm xử lý nước thải tập trung nhưng cũng chỉ xử lý được 50% với khoảng 10 nghìn m3/ngày, đêm. Rác sinh hoạt xả bừa bãi cũng khiến môi trường nước ao hồ bị ô nhiễm.

Khảo sát của ngành chức năng cũng cho thấy, nước thải ngày càng tăng về lượng và mức độ độc hại. Bởi hiện nay tỉnh Bắc Giang mới có 3/4 khu công nghiệp có hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung. Còn lại, 27 cụm công nghiệp và các cơ sở nằm phân tán, nhỏ lẻ trong khu dân cư hầu như chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Cùng với đó, hầu hết các làng nghề sản xuất cũng không có các công trình xử lý nước thải.

Ngoài ra, sông Cầu còn tiếp nhận và chịu tác động nước thải từ thượng nguồn qua các tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc chảy về làm tăng hàm lượng các chất độc hại. Nên tình trạn ô nhiễm đã kéo dài nhiều năm. Kết quả phân tích mẫu nước thải công nghiệp cho thấy chỉ tiêu các chất độc hại ở một số điểm vượt quy chuẩn cho phép.  

 Sông Thương đoạn chảy qua phường Thọ Xương, Mỹ Độ (TP Bắc Giang); xã Trí Yên, Tân Liễu, Đồng Phúc (Yên Dũng) và sông Lục Nam đoạn chảy qua huyện Lục Nam và xã Yên Định (huyện Sơn Động) đều đang có mức độ ô nhiễm cao…

Đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Giang lo ngại, nguồn nước mặt trên các sông, hồ đang có xu hướng ngày càng bị ô nhiễm nếu không được phòng ngừa kịp thời, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, vì đây là nguồn nước cung cấp cho sản xuất và sinh hoạt của người dân. 

* Khẩn trương khắc phục

Xác định việc bảo vệ môi trường (BVMT), nhất là môi trường nước là trách nhiệm và cần sự quyết tâm vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, toàn thể nhân dân và các doanh nghiệp. Theo đó, các cấp chính quyền cũng như ngành chức năng tổ chức truyền thông sâu rộng để nâng cao nhận thức về BVMT, đặc biệt là đối với các chủ cơ sở sản xuất và người dân có hoạt động xả thải; phát huy vai trò giám sát của các đoàn thể nhân dân, tổ chức xã hội tại địa phương. 5 năm trở lại đây, mỗi năm tỉnh Bắc Giang dành khoảng 35-55 tỷ đồng từ ngân sách của địa phương để chi cho hoạt động bảo vệ môi trường nói chung, trong đó có bảo vệ môi trường sông hồ và nguồn nước mặt.

Thời gian tới, tỉnh Bắc Giang chủ trương bố trí nhân lực triển khai thanh kiểm tra định kỳ và đột xuất, xử lý nghiêm các tổ chức và cá nhân vi phạm luật về môi trường. Đẩy mạnh các hoạt động phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, quản lý chất thải thông qua việc thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. 

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở TN&MT Bắc Giang cho biết, Sở TN&MT sẽ tập trung quan trắc môi trường, mở rộng phạm vi cả diện, điểm và đối tượng từ đó có biện pháp xử lý kịp thời; Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ điều tra, khảo sát, đánh giá toàn diện các nguồn chất thải gây ô nhiễm trên các sông; công bố các vùng cần được bảo vệ nghiêm ngặt; tham mưu với UBND tỉnh thực hiện đề án BVMT ở các lưu vực sông, phối hợp với các tỉnh lân cận có giải pháp BVMT nước sông Cầu ngay từ đầu nguồn.

Dự kiến, năm 2016, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ trình UBND tỉnh kế hoạch đầu tư lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, trong đó đầu tư ngay hệ thống quan trắc tự động để kiểm soát tại các khu, cụm công nghiệp và trên các sông; ưu tiên lắp đặt ở các doanh nghiệp có lượng nước xả thải lớn để theo dõi, giám sát thường xuyên. 

Bùi Vân/monre.gov.vn

Từ Khóa:  Bảo vệ môi trường nước