31/08/2015 10:55:16 SA

 

Nguy cơ ô nhiễm môi trường từ lò đốt rác thải cỡ nhỏ

Theo báo cáo không đầy đủ của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hiện nay toàn quốc có khoảng 50 lò đốt rác thải cỡ nhỏ (dưới 500kg/h), trong đó khoảng 2/3 lò đốt được sản xuất, lắp ráp trong nước.

 Tuy vậy, tại nhiều quốc gia trên thế giới, công nghệ lò đốt được coi là không thân thiện với môi trường và để lại hậu quả khôn lường. Tại Việt Nam, Nghị định 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu đã có những điều khoản khuyến khích áp dụng các công nghệ xử lý chất thải thân thiện với môi trường. Thế nhưng bất chấp những cảnh báo, nhiều địa phương đã và đang ồ ạt mua và sử dụng lò đốt rác thải cỡ nhỏ.

 

Lò[-]đốt[-]rác[-]sinh[-]hoạt[-]bằng[-]khí[-]tự[-]nhiên[-]MTKA[-]của[-]Công[-]ty[-]Cổ[-]phần[-]TVXD[-]Quản[-]lý[-]Môi[-]trường[-]đô[-]thị[-]Kỳ[-]Anh[-]chưa[-]đủ[-]điều[-]kiện[-]vận[-]hành-Ảnh:[-]Tin[-]Môi[-]Trường

Lò đốt rác sinh hoạt bằng khí tự nhiên MTKA của Công ty Cổ phần TVXD Quản lý Môi trường đô thị Kỳ Anh chưa đủ điều kiện vận hành-Ảnh: Tin Môi Trường

Tiêu chí "đẹp" của xã

Huyện Yên Lạc với 17 xã, thị trấn là một trong những địa phương đi đầu của tỉnh Vĩnh Phúc trong việc đầu tư, sử dụng lò đốt rác thải cỡ nhỏ. Khởi đầu từ đề tài “Mô hình thu gom và xử lý rác thải nông thôn ở Vĩnh Phúc” do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh thực hiện năm 2013, với việc thực nghiệm lò đốt rác thải cỡ nhỏ tại xã Tam Hồng có công suất 120-450kg/h trị giá 2,25 tỷ đồng, đến nay toàn địa bàn huyện đã có 8 lò đốt rác thải cỡ nhỏ. Ông Nguyễn Chí Thiết, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Lạc cho biết: Trong số 8 lò đốt thì 5 lò đang hoạt động và 3 lò còn lại đang chuẩn bị đưa vào sử dụng. Địa phương này cũng chủ trương phấn đấu ít nhất mỗi xã có một lò đốt rác thải cỡ nhỏ trên địa bàn.

Tại xã Tam Hồng, nơi thực nghiệm đầu tiên lò đốt rác thải cỡ nhỏ của Vĩnh Phúc, lò được sử dụng là loại đốt rác thải bằng không khí tự nhiên NF105, sản xuất tại Thái Lan, hoạt động 24/24h. Lò vận hành theo nguyên lý rất đơn giản. Trước khi đốt, rác thải cứng như gạch ngói, sành sứ, thủy tinh được phân loại. Các loại vải vụn, bìa cứng, nhựa được đưa vào mồi lửa. Sau đó, rác thải được đưa vào cửa lò đốt. Lượng tro sau khi đốt là rất ít và được đem đi chôn ngay gần khu vực lò đốt.

Theo ông Đỗ Văn Khang, Chủ tịch UBND xã Tam Hồng, người dân và chính quyền địa phương rất đồng tình ủng hộ việc sử dụng lò đốt rác thải để xử lý rác sinh hoạt. Lò đốt rác thải có rất nhiều ưu điểm như lượng khói thải không gây ô nhiễm mùi và lượng khói ít khi nhiệt độ đốt lên đến 600-900 độ C; tiết kiệm được diện tích đất làm hố chứa rác, không gây ô nhiễm nguồn nước ngầm và môi trường xung quanh hố chứa rác thải. Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Tam Hồng giai đoạn 2011-2014, cũng nhắc đến việc rác thải thu gom được xử lý đúng quy định và đưa việc sử dụng lò đốt rác thải như một tiêu chí “đẹp” cho Chương trình xây dựng nông thôn mới của xã.

* Hiểm họa dioxin từ lò đốt rác

Tiến sỹ Trần Thế Loãn, nguyên Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm, Tổng cục Môi trường cho biết: Theo nguyên lý, một số rác thải chứa kim loại nặng như thủy ngân, chất dẻo có chứa chất clo làm từ nhựa PVC có khả năng sinh ra chất dioxin, một hóa chất độc hại có khả năng gây ra ung thư ở người, khi ở giai đoạn từ 400-600 độ C. Nếu công nghệ đốt được tuân thủ chặt chẽ từ khâu phân loại rác thải đến khâu tăng nhiệt độ lên trên 1.000 độ C, kèm với đó là khâu xử lý khí thải, hạ nhiệt độ ở giai đoạn 400-600 độ C và sử dụng tháp chứa các chất hấp phụ (như than hoạt tính)… sẽ giảm đáng kể nguy cơ tạo thành dioxin, ngăn chặn nhiều chất độc hại khác phát tán ra môi trường.

Tuy vậy, theo ông Nguyễn Thành Yên, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tiến hành khảo sát việc sử dụng lò đốt chất thải ở một số địa phương theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải. Hiện Việt Nam vẫn chưa có Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN đối với lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, nhưng nếu so với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 30:2012/BTNMT về lò đốt chất thải công nghiệp và dự thảo QCVN về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng, thì nhiều lò đốt được khảo sát không đạt tiêu chí cần và đủ. Điển hình là việc không có hệ thống xử lý khí thải, nhiệt độ đốt thấp do không sử dụng nhiên liệu.

Ông Yên nhận xét: “ Không rõ là việc đo kiểm, đánh giá phát thải của các lò đốt này trước đây như thế nào, thậm chí một số lò vẫn có kết quả quan trắc là đạt, nhưng vừa qua chúng tôi đi lấy mẫu, nhiều lò đốt không có cửa lấy mẫu hoặc điểm lấy mẫu không phù hợp để thao tác. Khi chúng tôi yêu cầu lấy mẫu thì họ mất khá nhiều thời gian để đục cửa hoặc chuẩn bị sàn thao tác phù hợp. Nhiều nơi không cung cấp được kết quả quan trắc, hồ sơ thiết kế, hoàn công”.

Hiện nay, nguồn gốc công nghệ lò đốt chất thải sinh hoạt đang được sử dụng tại Việt Nam rất đa dạng. Ngoài các lò đốt được sản xuất trong nước còn có nhiều lò có xuất xứ từ nước ngoài như Nhật Bản, Thái Lan. Thế nhưng việc xác định nguồn gốc xuất xứ của những chiếc lò đốt này là khá khó khăn. Một số đơn vị cung cấp lò nắm bắt được tâm lý sính ngoại của khách hàng đã thuê văn phòng và đăng ký kinh doanh tại một quốc gia có tiếng trong khi sản xuất ở một nơi khác.

Trên thực tế, phải thừa nhận rằng việc sử dụng các lò đốt rác thải cỡ nhỏ là một giải pháp tình thế khá hiệu quả, đặc biệt đối với vấn đề chất thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn. Song các cơ quan, ban, ngành chức năng cũng cần nhìn nhận, đánh giá lại nghiêm túc về việc đầu tư lò đốt một cách hiệu quả nhất, trong đó phải tính đến phạm vi, quy mô, địa điểm, thời gian giảm dần và bao giờ kết thúc, nhằm tránh tình trạng “Mất bò mới lo làm chuồng”, trong khi việc giải quyết những hậu quả môi trường thường rất gian nan.

Thu Phương/tinmoitruong.vn

Từ Khóa:  Xử lý chất thải rắn