Liên tục xả lén giết kênh, rạch
Các công ty chế biến xả thải không qua xử lý đã biến nhiều con kênh và dòng sông Hậu chảy qua TP Cần Thơ bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an TP Cần Thơ vừa bắt quả tang công nhân Nguyễn Hoàng An của Công ty TNHH Phương Duy (gọi tắt Công ty Phương Duy; KCN Trà Nóc 2, phường Phước Thới, quận Ô Môn) chạy ghe kéo túi lưới chứa chất thải thả xuống rạch Cái Chôm để ra sông Hậu. Ngoài ra, công nhân này còn trực tiếp tham gia vận chuyển than hoạt tính sau quá trình sử dụng đem ra sông Hậu thải.
Xả nước thối, phóng uế bừa bãi
Tại khu vực sản xuất, công an phát hiện Công ty Phương Duy đang thải nước trực tiếp không qua hệ thống xử lý ra rạch Cái Chôm tại 2 vị trí thuộc khu vực lò hơi theo 2 đường ống. Lực lượng chức năng đã thu 2 mẫu nước thải xả trực tiếp ra rạch, 3 mẫu chất thải rắn mà công ty vận chuyển thải ra sông Hậu để phân tích mức độ ô nhiễm môi trường.
Tại quận Ninh Kiều, con kênh Rạch Ngỗng gần đây đã bị “đầu độc” khiến nguồn nước trở nên đen kịt. Đặc biệt, lợi dụng 2 ngày cuối tuần, một số nhà máy, công ty, cơ sở giết mổ gia súc đã lén xả nước bẩn khiến mùi hôi nồng nặc bốc lên từ con kênh này. Nhiều người dân cho biết họ đã gọi điện trình báo các cơ quan chức năng nhưng tình trạng ô nhiễm không giảm mà còn nặng hơn.
Lực lượng chức năng bắt quả tang công nhân Công ty Phương Duy xả thải chưa qua xử lý ra sông (Ảnh do công an cung cấp)
Bị phạt nặng vẫn tái phạm
Năm 2014, Tổng cục Môi trường – Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đã ra quyết định xử phạt Công ty CP Chế biến thực phẩm Sông Hậu (Sohafood; trụ sở tại xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ) gần 778 triệu đồng vì không thu gom triệt để chất thải nguy hại vào khu vực lưu giữ tạm thời theo quy định. Công ty này còn thải dầu, mỡ vào môi trường nước không đúng quy định, xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải. Tuy nhiên, sau đó, Công ty Sohafood đi vào hoạt động và tiếp tục xả nước thải làm hôi thối tuyến kênh giáp ranh giữa phường Long Hưng, quận Ô Môn và xã Thới Hưng. Ông Trần Văn Đức (ngụ ấp Thới Hòa B, phường Long Hưng) phản ánh: “Công ty xả thải thẳng ra con kênh gần nhà khiến gia đình tôi không lấy nước tưới tiêu được. Khi nước ròng, kênh lại bốc mùi hôi thối”.
Ngày 7-1-2015, UBND TP Cần Thơ ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty Sohafood trên 310 triệu đồng vì có hành vi tái phạm khi xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép. Trong các cuộc họp HĐND, cử tri phường Long Hưng đều phản ánh về việc xả thải của công ty này. Một lãnh đạo Sở TN-MT TP Cần Thơ cho biết ngày 4-6, sở đi kiểm tra việc khắc phục hậu quả do vi phạm của công ty nhưng công ty vẫn không chấn chỉnh. “Vừa qua, Sở TN-MT đã có cuộc họp với Công an TP, Phòng TN-MT huyện Cờ Đỏ và Công ty Sohafood. Sở đã yêu cầu công ty phải chấm dứt ngay hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn, cam kết thực hiện nghiêm các hành vi vi phạm. Nếu tái phạm sẽ tiến hành xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật” – vị lãnh đạo này nói.
Trước tình trạng gây ô nhiễm môi trường từ các nhà máy trong KCN, Công ty CP Xây dựng hạ tầng KCN Cần Thơ đã khánh thành và đưa vào hoạt động giai đoạn 1 nhà máy xử lý nước thải KCN Trà Nóc 2 với công suất thiết kế là 6.000 m3/ngày đêm. Tuy nhiên, ông Võ Thanh Hùng, Trưởng Ban Quản lý các KCX và KCN Cần Thơ, nhận định: “Nhà máy xử lý nước thải tập trung này sử dụng cho KCN Trà Nóc 1, Trà Nóc 2 và bắt buộc công ty, doanh nghiệp có nhà máy tại đây phải xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường. Giá nước thải xử lý đạt tiêu chuẩn loại B là 6.500 đồng/m3, loại A từ 2.000-2.500 đồng/m3. Tuy nhiên, đến nay, chỉ có 9/134 công ty tham gia. Nhiều công ty than rằng giá như vậy là cao. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục vận động những công ty này phải xử lý nước thải để hạn chế ô nhiễm môi trường”.
Cùng với sự phát triển kinh tế, TP Cần Thơ đã quy hoạch 4 KCN dọc theo sông Hậu. Đặc biệt, những nhà máy chế biến thủy sản trong KCN Trà Nóc 1 và Trà Nóc 2 đã “đầu độc” nhiều kênh, rạch. Theo một nghiên cứu của Trường ĐH Cần Thơ, tại rạch Sang Trắng 1, cách KCN Trà Nóc 2 khoảng 200 m (nơi tiếp nhận nước thải trực tiếp), có hàm lượng COD (mức độ hiện diện chất hữu cơ trong nước) vượt chuẩn cho phép từ 5-6 lần. Trong khi đó, ở rạch Sang Trắng 2, nơi cách xa KCN hơn thì hàm lượng hữu cơ vượt tiêu chuẩn 4-6 lần.
C.Linh
|
|