Tới dự và chủ trì hội thảo có ông Võ Tuấn Nhân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng, một số đoàn đại biểu Quốc hội và các đơn vị liên quan.
Tại hội thảo, nhiều báo cáo đã chỉ ra rằng, hiện hệ thống chính sách pháp luật về môi trường của Việt Nam đã được phân cấp từ Trung ương tới địa phương song còn chồng chéo. Thực tiễn, các cấp ngành chủ yếu chú trọng đến khâu "xử lý vi phạm", kiểm tra ở cuối nguồn mà chưa chú trọng tới quản lý đầu nguồn thải, ngăn ngừa ô nhiễm. Các nội dung liên quan đến kiểm soát ô nhiễm nước còn nằm rải rác trong các chương, điều, chưa có điều kiện thể hiện liền mạch và liên thông do đó các cơ quan quản lý và các đối tượng tham gia bảo vệ môi trường nước chưa xác định được rõ ràng nhiệm vụ thực hiện…Trong khi đó, các hội đồng, Ủy ban lưu vực sông chưa phát huy được vai trò, thiếu cơ chế quản lý, các thành viên đại đa số làm công tác kiêm nhiệm.
Ngoài ra, sự hạn chế trong nhận thức của doanh nghiệp và thiếu hụt năng lực của cơ quan quản lý trong triển khai công cụ kinh tế môi trường nước cũng là một trong những thách thức pháp lý đặt ra hiện nay. Các nội dung về kiểm soát ô nhiễm nước vẫn còn dừng ở những quy định chung, chưa đủ mức chi tiết, cụ thể, xác định rõ trách nhiệm trong khi tình trạng ô nhiễm nước ở Việt Nam chưa được ngăn ngừa một cách bài bản và mức độ ô nhiễm đã có nguy cơ không kiểm soát được…
Tại hội thảo lần này, các chuyên gia đã chia sẻ kinh nghiệm quản lý bảo vệ môi trường nước Mỹ, Hàn Quốc, Cộng hòa Séc… Đó là việc áp dụng và triển khai thành công Đạo luật Nước sạch của Mỹ với các quy định về giới hạn dòng thải trong giấy phép xả thải hay hướng tiếp cận quản lý theo lưu vực từng con sông. Hàn Quốc phát động Chiến dịch một doanh nghiệp làm sạch một con sông, hợp tác chặt chẽ với cộng đồng, trường học và quân đội, thúc đẩy mạnh mẽ trách nhiệm xã hội trong bảo vệ môi trường…
Tham dự hội thảo, một số đại biểu cho rằng, đứng trước những thách thức trong quản lý, bảo vệ môi trường nước hiện nay cộng với việc từ những bài học thành công của một số nước trên thế giới cần thiết phải xem xét và tạo lập một hành lang pháp lý cần thiết và hệ thống trong việc ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm nguồn nước.
Phát biểu hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Quốc Hội Võ Tuấn Nhân cho rằng, vấn đề bảo vệ nguồn nước đã được thể chế hóa tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật, gồm Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và Luật Tài nguyên nước…tuy nhiên, thực trạng ô nhiễm nguồn nước ngày càng gia tăng và các cơ chế chính sách hiện nay đã và đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Việc khuyến nghị cần có một hành lang pháp lý riêng như xây dựng Luật Ngăn ngừa và Kiểm soát ô nhiễm nguồn nước để quy định chi tiết và cụ thể các nội dung liên quan đến bảo vệ nguồn nước là điều bức thiết đang đặt ra trong giai đoạn hiện nay.