Ngăn chặn phá rừng – tại sao khó?
Quyền ra quyết định sử dụng đất thật sự nằm trong tay ai? Tại sao những nỗ lực bảo vệ rừng như REDD+ và nhiều sáng kiến khác cho đến nay vẫn chưa thay đổi được quỹ đạo phát triển?
Hoạt động chính trị liên quan đến đất đai vô cùng phức tạp vì quá nhiều bên liên quan: các cơ quan quản lý trung ương và địa phương trong ngành môi trường, ngành nông lâm nghiệp, khai thác khoáng sản và cả các công ty tư nhân, tổ chức phi chính phủ, cộng đồng địa phương. Do vậy, bên cạnh yêu cầu tìm ra những đường hướng phát triển mới, điều quan trọng hơn cả là hiểu được mối quan hệ tương tác hoặc đối kháng giữa các bên liên quan trong việc đưa ra quyết định thay đổi mục đích sử dụng đất.
Nghiên cứu trường hợp tại 5 quốc gia
Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Quốc tế (CIFOR) vừa qua đã công bố kết quả nghiên cứu ban đầu về tác động của chính trị trong quản trị đa ngành đối với chuyển đổi mục đích sử dụng đất và chính sách khí hậu. Phương pháp được sử dụng là nghiên cứu trường hợp (case studies) tại 5 quốc gia, nơi diễn ra các hoạt động chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Hơn 700 người đã được phỏng vấn tại 54 điểm nghiên cứu thuộc 11 khu vực trên lãnh thổ 5 quốc gia bao gồm Peru, Indonesia, Việt Nam, Tanzania, và Mexico. Những nơi này đều đang áp dụng các sáng kiến phát triển giảm phát thải, bao gồm cả REDD+, nhưng cùng lúc đó đất rừng vẫn được chuyển đổi sang phục vụ sản xuất nông nghiệp, dầu cọ, khai thác khoáng sản, và nhiều mục đích sử dụng khác.
Mặc dù tại các điểm nghiên cứu, hệ thống pháp luật và mức độ phân cấp quản lý là khác nhau, các nhóm lợi ích đầy quyền lực vẫn thường tìm ra cách để đạt được mục đích để hưởng lợi từ rừng – hoặc sử dụng luật, hoặc lách luật.
Ở những nơi rừng không được cấp quyền quyền sở hữu như Peru hay Indonesia, cấp độ và cách thức phân quyền quản lý rất khác nhau, như phân quyền theo quận huyện tại Indonesia hay phân quyền theo khu vực tại Peru. Thế nhưng ở cả hai quốc gia này, các đối tượng đều có khả năng gây sức ép lên các cơ quan chính quyền liên quan – cấp quốc gia, khu vực và/hoặc cấp địa phương để biến khu vực được phân loại là rừng thành khu vực không phải rừng, sau đó chuyển thành sở hữu tư nhân và chuyển đổi mục đích sử dụng.
Theo phản ánh của người dân, các quốc gia được nghiên cứu đều gặp thách thức lớn trong phối hợp giữa các ban ngành. Ngành môi trường và các ngành truyền thống khác như nông nghiệp, khai thác khoáng sản thường hoạt động một cách riêng rẽ, thiếu sự phối hợp.
Ngành môi trường ở tất cả các cấp cũng thường được coi là ít có ảnh hưởng hơn so với các ngành khác. Điều này phản ánh lợi ích chính trị ở tất cả các nước: các liên minh hướng tới phát triển nông nghiệp, khai thác khoáng sản và các phương thức phát triển truyền thống luôn có quy mô lớn hơn và quyền lực hơn liên minh phát triển bền vững.
Các tổ chức phi chính phủ và các đối tượng khác đang tìm kiếm các phương thức bền vững hơn thì chủ yếu “nói cho nhau nghe”.
Trong khi đó, hầu hết các nỗ lực giảm phát thải chỉ đang cố gắng thay đổi hành vi của các bên liên quan đóng vai trò thứ yếu, nhiều khi là bằng cách nhấn mạnh các giả thuyết chắc chắn về các động cơ phá rừng.
Ảnh minh họa: James Maiden/CIFOR
REDD+: niềm hi vọng tạo sự thay đổi?
Nhiều năm qua, REDD+ cũng đã đem lại nhiều cơ hội đối thoại cần thiết, cũng như nỗ lực thúc đẩy quyền của người dân bản địa. Tại Mexico, mặc dù ngành lâm nghiệp được quản lý tập trung cao độ, và trong suốt hơn 20 năm các chính sách của nước này đã khiến phần đất rừng do cộng đồng quản lý bị thu hẹp dần, REDD+ đã giúp đưa phần đất này trở thành trọng tâm của chương trình hành động và giúp bảo vệ được 65% diện tích đất lâm nghiệp.
Tuy nhiên, mặc dù có thể gắn kết các bên có cùng mục tiêu trong ngành môi trường, REDD+ chưa thể kết nối các ngành truyền thống.
Rất ít điểm dự án REDD+ đấu tranh với các động cơ phá rừng quy mô lớn hoặc có vốn đầu tư cao, mặc dù trong nhiều trường hợp giải pháp tăng quyền cộng đồng có thể giúp ngăn chặn các nhà đầu tư không mong đợi từ bên ngoài.
Tại Tanzania, phần lớn các can thiệp REDD+ đã có những đóng góp tích cực cho nông dân sống định cư, nhưng lại bỏ qua những đối tượng yếu thế và nghèo nhất là những người di canh và chăn thả gia súc, từ đó thất bại trong việc giải quyết xung đột giữa nông dân và người chăn gia súc.
Tương tự, cơ chế này cũng tìm cách thay đổi hành vi của những nhóm người sản xuất than củi thủ công và những người dân địa phương sử dụng rừng khác mà không hề nỗ lực tiếp cận các “ông lớn” vốn là những đối tượng nắm giữ những đối tượng giàu có dẫn dắt nhóm ngành này: thương lái và người tiêu dùng.
Ngoài ra, REDD+ thường sử dụng nhiều từ ngữ chuyên ngành khó hiểu. Sự phức tạp này khiến cho một số người ủng hộ dự án dựa vào để bao biện cho việc giấu nhẹm thông tin và để tránh tạo ra tạo ra các kỳ vọng. Tuy nhiên, thực tế đó khiến REDD+ không đạt được sự đồng thuận tự nguyện, được thông báo trước và cung cấp đầy đủ thông tin (FPIC) theo nguyên tắc mà nó đề ra.
Giải pháp chính trị cho các vấn đề chính trị
Trong khi các nhóm lợi ích đầy quyền lực đã lão luyện trong việc “đi đêm” với chính quyền để đạt được những mục tiêu có thể gây hại cho rừng, thì chúng ta cũng có thể hy vọng tìm được giải pháp chính trị cho các vấn đề chính trị này.
Thực tế, trong một số trường hợp, chính quyền địa phương đã trở thành đồng minh bảo tồn quan trọng: các quận tại Tanzania đã hỗ trợ thiết lập các khu vực bảo tồn đất đai của thôn làng, các quận thuộc Ketapang, phía Tây Kalimantan cũng hỗ trợ nhiều hoạt động bảo tồn (mặc dù ngành dầu cọ là ngành “nhạy cảm” chính trị). Ở Việt Nam, mặc dù chính quyền địa phương có quyền lực hạn chế trong việc ra quyết định, một số địa phương vẫn triển khai thành công các dự án hơn cả mong đợi.
Đáng chú ý nhất là trường hợp tại Acre, Brazil. Quốc gia này đã xây dựng một hệ thống sáng kiến môi trường dựa trên việc trao quyền rộng rãi cho người dân địa phương. Hệ thống này giúp thiết lập các khu bảo tồn, hỗ trợ hoạt động kinh tế gắn với bảo tồn như cạo mủ cao su, và tìm kiếm những sáng kiến liên kết các hoạt động bảo tồn trong nước với các cơ chế hỗ trợ quốc tế như REDD+.
Theo kết luận của các nhà nghiên cứu CIFOR, các sáng kiến giảm phát thải phần lớn đang đối mặt với các vấn đề chính trị, và do đó rất cần đến các giải pháp chính trị. Quyết tâm chính trị và các liên minh tạo ra sự sự thay đổi là những nhân tố quan trọng giúp mang lại những bước chuyển kinh tế.
|