05/10/2015 12:32:25 CH

 

Bảo vệ môi trường - cần thức tỉnh bằng pháp luật

Có một câu hỏi, sao các khu công nghiệp không về gần với nông thôn mà cứ tập trung ở đô thị gây nhiều hệ lụy tại chỗ như dư luận đã biết? 

Mấy năm trước, con kênh Ba Bò ở Đồng Nai bị bức tử vì ô nhiễm chất thải công nghiệp không qua xử lý. Cá chết, cây khô thì nhìn thấy nhãn tiền nhưng sức khỏe người nông thôn sống ven kênh chưa thấy ai thống kê!

Còn nữa, nhiều lồng cá bè ở huyện Cần Giờ TP HCM trong những ngày qua cá chết trắng sông do nước từ sông ra đen ngòm, nồng nặc. Nước này khởi hành từ các nhà máy ven đô! Số phụ nữ nông thôn ở ĐBSCL bị bệnh phụ khoa do không được sử dụng nước sạch chiếm một tỉ lệ đáng lo ngại.  

Bình tâm suy xét thì tình trạng quy hoạch các khu đô thị chưa gắn với vấn đề xử lý chất thải, nước thải nên ô nhiễm môi trường ở các thành phố lớn, các khu công nghiệp, khu đô thị đang ở mức báo động. Trong tổng số 183 khu công nghiệp trong cả nước, có trên 60% khu công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Các đô thị chỉ có khoảng 60% - 70% chất thải rắn được thu gom, cơ sở hạ tầng thoát nước và xử lý nước thải, chất thải chưa đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường... Và hầu hết lượng nước thải chưa được xử lý đều đổ thẳng ra sông, hồ. Về quê ngày nay kiếm cá rô ruộng thật khó vì chúng bị thảm sát bởi đủ loại thuốc bảo vệ thực vật.

Không thể không nói đến sự thiếu trách nhiệm của các doanh nghiệp. Do đặt nặng mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, không ít doanh nghiệp đã vi phạm quy trình khai thác, góp phần đáng kể gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, chính sự chưa chặt chẽ trong việc quản lý bảo vệ môi trường của nhà nước cũng đã để lọt các hành vi phá hoại môi trường. 

Từ bức tranh trên, thấy rõ những hạn chế, bất cập của cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và việc tổ chức thực hiện của các cơ quan chức năng.

Theo Bộ Tư pháp, hiện nay có khoảng 300 văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường để điều chỉnh hành vi của các cá nhân, tổ chức, các hoạt động kinh tế, các quy trình kỹ thuật, quy trình sử dụng nguyên liệu trong sản xuất. Tuy nhiên, hệ thống các văn bản này vẫn còn chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ, thiếu chi tiết, tính ổn định không cao, tình trạng văn bản mới được ban hành chưa lâu đã phải sửa đổi, bổ sung là khá phổ biến, từ đó làm hạn chế hiệu quả điều chỉnh hành vi của các cá nhân, tổ chức, các hoạt động kinh tế... trong việc bảo vệ môi trường.

Tình hình này suy cho cùng thì nông thôn là nơi gánh hậu quả. Và thật khó chấp nhận khi mọi tiện nghi công cộng đều được làm rất nhanh ở các đô thi, còn những thứ ấy lại “bò” rất chậm chạp ở các vùng quê!  

Theo Hư Trúc (Đại Đoàn Kết)

Từ Khóa:  Bảo vệ môi trường