1. Mở đầu
Kể từ khi đất nước thực hiện chính sách mở cửa đến nay lĩnh vực cấp thoát nước của Việt Nam đã có sự tăng trưởng đáng kể. Công suất cấp nước đô thị, với khoảng 500 hệ thống cấp nước tập trung trên tổng số trên 770 đô thị trong cả nước, đã đạt khoảng 7,1 triệu m3/ngày vào năm 2015. Hiện đã có trên 20 hệ thống thoát nước và xử lý nước thải (TN-XLNT) tập trung được đưa vào khai thác, và 30 dự án khác đang được triển khai ở các đô thị, đưa tỷ lệ lượng nước thải đô thị được xử lý tăng từ dưới 10% năm 2005 lên hơn 20%. Tổng kinh phí đầu tư cho TN-XLNT đô thị trung bình 228 triệu USD/năm (WB, 2013). Tuy nhiên, do quá trình phát triển đô thị hóa quá nhanh và điều kiện kinh tế khó khăn, năng lực của hệ thống kỹ thuật hạ tầng đô thị nói chung và hệ thống cấp thoát nước đô thị nói riêng còn nhiều bất cập.
2. Thoát nước và xử lý nước thải đô thị
2.1. Xử lý nước thải: công nghệ, chi phí và mô hình quản lý
Hầu hết ở các khu vực đô thị cũ đều sử dụng hệ thống thoát nước chung cho tất cả các loại nước thải và nước mưa. Các tuyến cống được xây dựng và bổ sung chắp vá, có tổng chiều dài ngắn hơn nhiều so với chiều dài đường phố, ngõ xóm. Nước thải nhà vệ sinh phần lớn chảy qua bể tự hoại rồi xả ra hệ thống thoát nước chung tới kênh, mương, ao hồ tự nhiên hay thấm vào đất. Nước xám và nước mưa chảy trực tiếp ra nguồn tiếp nhận. Chi phí đòi hỏi để đầu tư xây dựng, vận hành các hệ thống TN-XLNT tập trung là quá lớn đối với đô thị, chưa nói đến các vùng ven đô, nông thôn. Ở hầu hết các đô thị, công tác quy hoạch, quản lý đô thị còn nhiều yếu kém.
Công suất hoạt động của các nhà máy XLNT đô thị dao động trong khoảng 18,4% - 128% công suất thiết kế (WB, 2013). Các công nghệ XLNT sử dụng trong các nhà máy XLNT tập trung đô thị tương đối đa dạng. Đa phần áp dụng công nghệ bùn hoạt tính, kể cả bùn hoạt tính truyền thống (CAS), kỵ khí - thiếu khí - hiếu khí (A2O), bể phản ứng sinh học hoạt động theo mẻ (SBR) hay mương ôxy hóa (OD). Một số đô thị dành được quỹ đất cho XLNT, cho phép áp dụng những công nghệ có chi phí đầu tư và vận hành thấp như hồ sinh học, hồ sinh học có sục khí, bể lọc sinh học nhỏ giọt… Khác với các khu vực được trang bị HTTN riêng, giá trị BOD đầu vào các trạm XLNT tiếp nhận nước thải từ hệ thống thoát nước chung quá thấp (trung bình 60 - 100 mg/L), tỷ lệ C:N thấp, không thuận lợi cho quá trình xử lý sinh học, khó đạt các quy chuẩn thải theo N, P.
Bên cạnh khó khăn về mạng lưới thu gom, thách thức lớn trong thoát nước đô thị là việc đấu nối các hộ gia đình vào mạng lưới thoát nước thành phố. Hầu hết các dự án thoát nước nguồn vốn ODA đều không có hợp phần này. Sau dự án, việc đầu tư của chính quyền đô thị hay cộng đồng cho việc đấu nối là rất khó thực hiện được.
Chi phí vận hành và bảo dưỡng nhà máy XLNT
Các công nghệ XLNT đơn giản thường tốn ít chi phí đầu tư lẫn chi phí vận hành, bảo dưỡng hơn (Hình 1). Giá dịch vụ thoát nước, XLNT quá thấp (trung bình 10% giá nước sạch), không đủ trang trải chi phí quản lý vận hành hệ thống (Hình 2).
Ở hầu hết các đô thị, HTTN và XLNT do các doanh nghiệp công ích (Công ty Thoát nước, Công ty Cấp thoát nước, Công ty Môi trường đô thị…) quản lý. Trong vòng 5 năm trở lại đây, với sự tham gia của khối tư nhân trong đầu tư, xây dựng, vận hành khai thác các nhà máy XLNT, hệ thống thu gom nước thải.
|
Hình 1. So sánh chi phí đầu tư cơ bản (CAPEX, USD/đơn vị dân cư) của các nhà máy XLNT áp dụng các nhóm công nghệ xử lý khác nhau (WB, 2013)
Ghi chú: Nhóm 1: Bùn hoạt tính (CAS, A2O, SBR) + xử lý bùn; Nhóm 2: Chuỗi hồ, hồ sục khí, bể lọc sinh học, mương ôxy hóa.
|
|
Hình 2. So sánh chi phí vận hành, bảo dưỡng (VNĐ/m3 nước thải được xử lý) của các nhà máy XLNT theo nhóm công nghệ xử lý và phí nước thải (WB, 2013)
Ghi chú: Nhóm 1: Bùn hoạt tính (CAS, A2O, SBR) + xử lý bùn; Nhóm 2: Chuỗi hồ, hồ sục khí, bể lọc sinh học, mương ôxy hóa.
|
2.2. Xử lý bùn cặn từ các trạm XLNT
Các công đoạn XLNT làm phát sinh một lượng đáng kể bùn cặn. Chỉ tính riêng cho Hà Nội, với tổng công suất thực tế của 4 trạm XLNT Kim Liên, Trúc Bạch, Bắc Thăng Long, Yên Sở là 120.000m3 nước thải được xử lý mỗi ngày, hàm lượng cặn lơ lửng SS trong nước thải trung bình 72mg/L, BOD5 94mg/L (WB, 2013), lượng bùn phát sinh theo trọng lượng cặn khô đã là trên 10 tấn/ngày, thể tích bùn chưa xử lý là 350m3/ngày, hàm lượng nước lớn, các chất hữu cơ dễ bị phân hủy, gây hôi thối và làm ô nhiễm môi trường. Mỗi gam chất khô bùn cặn có thể chứa 106 vi khuẩn E.Coli, 102-103 vi khuẩn Salmonella, 102-104 virus Entero, 102-103 đơn bào Giardia, 102-103 trứng giun, sán các loại. Khâu xử lý bùn cặn chiếm một tỷ trọng lớn trong toàn bộ kinh phí đầu tư xây dựng và vận hành trạm XLNT.
Hiện nay, phương thức xử lý bùn chủ yếu áp dụng tại các trạm XLNT đô thị Việt Nam là khử nước và chở đi chôn lấp. Một số ít trạm xử lý có sản xuất phân vi sinh từ bùn sau khi ổn định, làm khô bằng sân phơi bùn (Đà Lạt), sản xuất phân vi sinh sau khi làm khô bùn cơ học (TP. Hồ Chí Minh). Đầu ra của sản phẩm phân vi sinh, cũng như ô nhiễm không khí do mùi, là các vấn đề nan giải. Ở Hà Nội, trạm XLNT Yên Sở, với công suất thiết kế 200.000 m3/ngày, áp dụng công nghệ phân hủy kỵ khí để ổn định bùn, khí biogas được thu hồi và đốt bỏ.
Trong tương lai gần, vấn đề xử lý bùn cặn phát sinh từ các trạm XLNT đô thị sẽ trở thành mối quan tâm lớn. Việc lựa chọn công nghệ xử lý bùn rất tùy thuộc vào những điều kiện cụ thể của từng địa phương. Tại các trạm XLNT với công nghệ bùn hoạt tính, bùn có thành phần hữu cơ phân hủy được bằng phương pháp sinh học tương đối cao (tỷ lệ VS/TS 53,5 - 69,2%), tỷ lệ C/N/P phù hợp cho quá trình ổn định kỵ khí, thu hồi khí sinh học để sản xuất điện và nhiệt. Thành phần của bùn cặn còn chứa nhiều nguyên tố dinh dưỡng như N, P, K, S, Fe… nên có thể dùng làm phân bón. Tiền xử lý bằng thủy phân, bằng nhiệt hay nhiệt thủy phân cho phép rút ngắn thời gian, nâng cao hiệu suất xử lý thu hồi methane và tiêu diệt mầm bệnh có trong bùn. Xử lý kết hợp bùn với các chất thải giàu hữu cơ bằng các quá trình kỵ khí có thể sản xuất nhiệt và điện đủ dùng cho bản thân trạm XLNT và bán điện, nhiệt ra ngoài.
Bảng 1. Công nghệ xử lý bùn tại một số trạm XLNT đô thị
TT
|
Trạm XLNT
|
Thành phố
|
Công nghệ XLNT
|
Loại HTTN
|
Công nghệ xử lý bùn
|
1
|
Kim Liên
|
Hà Nội
|
Bùn hoạt tính (A2O)
|
Chung
|
Làm khô cơ học, chôn lấp
|
2
|
Trúc Bạch
|
Bùn hoạt tính (A2O)
|
Chung
|
Làm khô cơ học, chôn lấp
|
3
|
Bắc Thăng Long
|
Bùn hoạt tính (AO)
|
Chung
|
Làm khô cơ học, chôn lấp
|
4
|
Yên Sở
|
SBR (AO)
|
Chung
|
Phân hủy kỵ khí, làm khô cơ học, chôn lấp
|
5
|
Bình Hưng
|
TP. Hồ Chí Minh
|
Bùn hoạt tính truyền thống (CAS)
|
Chung
|
Làm khô cơ học, chôn lấp
|
6
|
Bình Hưng Hòa
|
Hồ sinh học có thổi khí
|
Chung
|
Hồ ổn định, phơi khô, chôn lấp
|
7
|
Sơn Trà
|
Đà Nẵng
|
Hồ kỵ khí
|
Chung
|
Hồ ổn định, chôn lấp
|
8
|
Hòa Cường
|
Hồ kỵ khí
|
Chung
|
9
|
Phú Lộc
|
Hồ kỵ khí
|
Chung
|
10
|
Ngũ Hành Sơn
|
Hồ kỵ khí
|
Chung
|
11
|
Bãi Cháy
|
Quảng Ninh
|
SBR (AO) + Hồ sinh học
|
Chung
|
Sân phơi bùn, chôn lấp
|
12
|
Hà Khánh
|
SBR (AO) + Hồ sinh học
|
Chung
|
Sân phơi bùn, chôn lấp
|
13
|
Đà Lạt
|
Đà Lạt
|
Bể lắng hai vỏ + Lọc SH nhỏ giọt + Hồ sinh học
|
Riêng
|
Sân phơi bùn, compost
|
14
|
Buôn Ma Thuột
|
BMT
|
Chuỗi hồ sinh học
|
Riêng
|
Hồ ổn định, phơi khô, compost
|
15
|
Bắc Giang
|
Bắc Giang
|
Kênh oxy hóa (AO)
|
Chung
|
Làm khô cơ học, chôn lấp
|
2.3. Quản lý phân bùn bể tự hoại
Quản lý phân bùn bể phốt đang là vấn đề nổi cộm ở nhiều đô thị Việt Nam. Năng lực của chính quyền đô thị, các Công ty Môi trường đô thị ở nhiều nơi còn yếu, nhận thức và sự tham gia của cộng đồng trong vệ sinh môi trường đô thị còn hạn chế, hoạt động quản lý phân bùn chưa được kiểm soát chặt chẽ. Hầu hết các bể tự hoại không được hút đúng lúc, phân bùn được hút bởi các doanh nghiệp tư nhân và vận chuyển, thải bỏ tùy tiện ra bên ngoài môi trường.
Quy định về quản lý phân bùn đã được nêu rõ trong Nghị định 80/NĐ-CP của Chính phủ về thoát nước. Ở các đô thị cần nhanh chóng ban hành các quy định cụ thể về quản lý HTTN và XLNT, trong đó phải bao gồm nội dung quản lý phân bùn từ các công trình vệ sinh (hút định kỳ, vận chuyển, xử lý, thải bỏ…). Bên cạnh đó, những nội dung quan trọng khác như quy định về đấu nối hộ gia đình vào hệ thống thoát nước khu vực, xin phép và phê duyệt thiết kế công trình, trong đó có thiết kế bể tự hoại, điểm đấu nối… cần được xem xét kỹ.
Các khu đô thị mới, với hệ thống TN-XLNT được xây dựng hoàn chỉnh, không cần dùng bể tự hoại. Ở các khu vực đô thị hiện hữu, bể tự hoại sẽ còn tồn tại một thời gian dài. Hoạt động quản lý phân bùn bể tự hoại cần được quan tâm đúng mức.
3. Trạm xử lý nước thải tập trung tại các KCN
3.1. Lựa chọn công nghệ xử lý nước thải tại các KCN
Một số dây chuyền công nghệ tiêu biểu áp dụng tại các trạm XLNT tập trung của các KCN hiện nay là:
- Dây chuyền 1: Xử lý sơ bộ (tách rác, cát, dầu mỡ) - Bể điều hòa - Bể trộn, điều chỉnh pH, Keo tụ tạo bông - Bể lắng - Bể xử lý sinh học với bùn hoạt tính - Bể lắng thứ cấp - Khử trùng bằng Clo.
- Dây chuyền 2: Xử lý sơ bộ (tách rác, cát, dầu mỡ) - Bể điều hòa (có hoặc không có sục khí) - Bể trộn, điều chỉnh pH, keo tụ tạo bông - Bể lắng - Bể điều hòa trước bể SBR - Bể xử lý sinh học với bùn hoạt tính hoạt động theo mẻ SBR - Khử trùng bằng Clo.
- Dây chuyền 3: Xử lý sơ bộ (tách rác, cát, dầu mỡ) - Bể điều hòa - Bể trộn, điều chỉnh pH, chất dinh dưỡng - Bể sinh học kỵ khí UASB - Bể Aeroten với giá thể vi sinh cố định - Bể lắng thứ cấp - Bể trộn, điều chỉnh pH, Keo tụ tạo bông - Bể lắng hóa, lý - Khử trùng bằng Clo.
Nhiều KCN có hồ sinh học để xử lý bổ sung trước khi nước thải được xả ra nguồn hoặc tái sử dụng.
Phần lớn các trạm XLNT đều được thiết kế dựa trên kinh nghiệm của nhà thầu, mà không có đầy đủ thông tin về số lượng, thành phần, tính chất nước thải đầu vào. Khi chưa có nước thải thực tế, các nhà thầu đề xuất trạm XLNT với kích thước công trình tối thiểu để giảm giá thành và thắng thầu. Khi đưa vào hoạt động, các trạm XLNT không có điều kiện để điều chỉnh chế độ vận hành phù hợp với đặc tính nước thải thực tế, dẫn đến tình trạng trạm XLNT hoạt động kém hiệu quả.
Các nhà thầu thường thiết kế bể điều hòa với dung tích tối thiểu, với thời gian lưu nước trong bể thường chỉ trong khoảng 4 - 8h tính theo lưu lượng giờ trung bình, với mục đích giảm chi phí cho chủ đầu tư và thêm cơ hội thắng thầu cho nhà thầu. Thực tế đánh giá tình hình hoạt động của các trạm XLNT tập trung ở các KCN cho thấy, các bể điều hòa đều thiếu dung tích, không điều hòa được lưu lượng và nồng độ các chất ô nhiễm chảy về trạm XLNT. Khi không có đủ thông tin thực tế về loại hình sản xuất, chế độ thải nước và thành phần, tính chất nước thải, thời gian lưu nước cần thiết của bể điều hòa được khuyến cáo tối thiểu 12h tính theo lưu lượng giờ trung bình (Nguyễn Việt Anh và Lê Minh Sơn, 2012). Đây cũng là điểm cần xem xét, cập nhật trong Tiêu chuẩn thiết kế TCVN 7957:2008 hiện hành.
Nhiều trạm XLNT được thiết kế, đầu tư xây dựng với tinh thần “chi phí tối thiểu’’, thiếu nhiều hạng mục quan trọng như phòng thí nghiệm, các thiết bị đo lường, giám sát, điều khiển, máy bơm, máy ép bùn và máy phát điện dự phòng…
3.2. Vận hành và bảo dưỡng trạm XLNT tập trung của KCN, KCX
Do năng lực quan trắc dòng nước thải đầu vào trạm XLNT tập trung hạn chế, có nhiều nguy cơ dẫn đến sự cố của toàn trạm XLNT. Rủi ro càng cao khi có nhà máy trong KCN xả ra HTTN những chất thải độc hại, đặc biệt khi họ xả vào các thời điểm như cuối ca, ban đêm…
Ở nhiều trạm XLNT có công đoạn keo tụ bằng hóa chất, nhưng không làm thí nghiệm keo tụ - lắng để xác định loại và liều lượng hóa chất tối ưu. Việc định lượng hóa chất keo tụ không đúng dẫn đến hiệu suất keo tụ - lắng thấp, hàm lượng chất ô nhiễm, chất độc hại đưa sang bể xử lý sinh học lớn, có thể gây sốc, làm chết vi sinh vật có trong bùn hoạt tính. Rủi ro càng cao khi các nhà máy bất ngờ xả các chất độc hại hay một lượng lớn chất bẩn vào HTTN mà không xử lý sơ bộ, như đã nói ở trên.
Ở nhiều nơi, chủ đầu tư và đơn vị quản lý vận hành các trạm XLNT tìm cách giảm tối đa chi phí vận hành như giảm chi phí năng lượng, hóa chất vận hành, giảm số mẫu phân tích, tránh vận hành bơm và máy thổi khí vào các giờ cao điểm, không bổ sung hóa chất (N, P, polymers, Clo…) như quy trình yêu cầu. Một số trạm XLNT không hoạt động liên tục 24/24 để tiết kiệm chi phí. Vận hành, bảo dưỡng, bảo trì thiết bị nhiều nơi không tuân thủ đúng quy trình. Những thực tế này dẫn đến những hỏng hóc thiết bị, sự cố trên hệ thống, làm cho hiệu suất XLNT không đạt yêu cầu…
Các hệ thống làm khô bùn là khâu hay gặp sự cố, trục trặc nhất ở các trạm XLNT. Nhiều hệ thống làm khô bùn không hoạt động. Vấn đề vận chuyển, thải bỏ bùn tại nhiều nơi cũng không được quan tâm đúng mức. Nhiều nơi chỉ ký hợp đồng với đơn vị có chức năng vận chuyển, xử lý chất thải và chất thải nguy hại là coi như hết trách nhiệm. Quản lý bùn chứa các chất độc hại như kim loại nặng, dầu mỡ, các chất hữu cơ khó phân hủy… lẫn với bùn sinh học vẫn còn phổ biến.
Việc duy trì công tác bảo dưỡng phòng ngừa, ghi chép nhật ký vận hành, kiểm toán chất thải… ở nhiều trạm XLNT còn chưa làm tốt. Nhu cầu về người làm đúng chuyên môn, nhu cầu tại chỗ về đào tạo, tập huấn, tăng cường năng lực cho cán bộ và công nhân vận hành còn rất lớn. Sự sẵn sàng và trách nhiệm của chủ đầu tư và đơn vị vận hành để phòng ngừa, ứng cứu và xử lý sự cố tại các trạm XLNT tập trung của các KCN, CCN còn rất hạn chế.
|
Hình 3. Dung tích bể điều hòa không đủ và hệ thống keo tụ hóa chất -
lắng bậc 1 làm việc kém hiệu quả là một trong những vấn đề thường gặp
|
3.3. Vai trò của các doanh nghiệp đầu tư, khai thác KCN
Nguyên nhân các KCN thiếu nhà máy XLNT chủ yếu là do nhà đầu tư chưa thực sự quan tâm và do cơ chế, chính sách, chế tài xử phạt còn chưa đủ mạnh. Nguồn vốn đầu tư cho các hoạt động BVMT của các doanh nghiệp hạn chế, do doanh nghiệp cố gắng giảm giá thành sản phẩm và ưu tiên tăng lợi nhuận tài chính. Các doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm về BVMT. Các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng KCN khó tiếp cận các nguồn vốn thích hợp để đầu tư xây mới và mở rộng các khu XLNT tập trung. Trên thực tế, nếu chỉ trông vào nguồn thu phí thu gom, XLNT từ các nhà đầu tư, thì chủ đầu tư hạ tầng các KCN khó có thể bù đắp được các chi phí cho việc xây dựng và vận hành hệ thống cống thu gom, trạm bơm, trạm XLNT của KCN. Rủi ro càng cao khi trạm XLNT phải được xây dựng trước khi các nhà đầu tư xem xét vào KCN, KCN không thu hút được nhà đầu tư, tỷ lệ lấp đầy thấp.
3.4. Kiến nghị một số giải pháp nhằm kiểm soát và cải thiện tình hình
Đối với các chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật của KCN
Chỉ tiếp nhận các dự án có công nghệ sản xuất hiện đại, công nghệ cao, thân thiện hoặc ít gây ô nhiễm môi trường.
Dựa trên cơ sở quy chuẩn môi trường, chủ đầu tư hạ tầng KCN xây dựng nội quy cụ thể về nước thải, khí thải, chất thải rắn (CTR) áp dụng cho các khách hàng trong KCN. Các doanh nghiệp thuê đất tại KCN đều phải tuân thủ các quy định về XLNT sơ bộ. Tại các tuyến cống thu gom nước thải từ các nhà đầu tư, cần có các giếng thăm cho phép tiếp cận và lấy mẫu, quan trắc lưu lượng và chất lượng nước thải từ các nhà máy trong KCN. Chủ đầu tư hạ tầng KCN cần thỏa thuận rõ ràng với các chủ đầu tư: về chất lượng nước đầu vào trạm XLNT, các biện pháp kiểm tra, xử lý sự cố.
Các doanh nghiệp định kỳ báo cáo kết quả quan trắc kiểm soát chất lượng nước thải, khí thải, tình hình quản lý CTR và CTNH cho cơ quan quản lý môi trường địa phương và gửi báo cáo cho đơn vị quản lý hạ tầng KCN. Tiến hành kiểm tra định kỳ toàn bộ HTTN - XLNT của các doanh nghiệp, để có thông tin và đưa ra các giải pháp xử lý thiết thực.
Trạm XLNT KCN cần có nguồn phát điện dự phòng. Trạm cần được thiết kế, xây dựng, vận hành với đầy đủ các giải pháp ngăn ngừa, giảm thiểu, khắc phục sự cố. Quản lý, giám sát chặt chẽ, phát hiện, ứng phó tại chỗ và thông báo kịp thời cho các đơn vị chức năng (Chi cục BVMT, Cảnh sát môi trường…) phối hợp giải quyết.
Một số giải pháp hướng tới xây dựng trạm XLNT tiên tiến, thân thiện với môi trường và bền vững: chọn vị trí và bố trí mặt bằng các công trình hợp lý; thay thế Clo để khử trùng nước thải sau xử lý; đặc biệt quan tâm đến xử lý và thải bỏ bùn, tái sử dụng nước thải, tận dụng nhiệt và các dòng năng lượng khác trong trạm XLNT và trong KCN, thu hồi các chất có ích khác; đầu tư đúng mức cho Phòng thí nghiệm; hỗ trợ cho vận hành và kiểm soát XLNT; chú trọng đến việc chuẩn bị, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực tiếp nhận và vận hành trạm XLNT…
Nhìn rộng hơn, các giải pháp quản lý nước thải phải được xem xét, lồng ghép với các biện pháp quy hoạch, xây dựng, tổ chức quản lý khai thác toàn bộ KCN, áp dụng các biện pháp SXSH, tiết kiệm tài nguyên, các mô hình xây dựng KCN xanh, ít và hướng tới không có chất thải, ứng dụng các công cụ quản lý môi trường cho mỗi cơ sở sản xuất và toàn bộ KCN, với sự tham gia của các chủ đầu tư, ban quản lý KCN, cộng đồng dân cư xung quanh và thị trường tiêu thụ sản phẩm từ KCN, các Hiệp hội liên quan, các cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương và địa phương.
Đối với các cơ quan QLNN về BVMT
Cần tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng và của chủ đầu tư các KCN, CCN, các doanh nghiệp về BVMT, kiểm soát ô nhiễm. Theo dõi, thu thập thông tin thường xuyên. Phát triển mạng lưới cộng tác viên, nhân dân phát hiện kịp thời các hành vi sai phạm. Xây dựng mối quan hệ đối tác, cùng chung tay bảo vệ sức khỏe cộng đồng và BVMT, đồng thời bảo vệ quyền lợi, sự công bằng của những doanh nghiệp tuân thủ pháp luật, bên cạnh việc kiên quyết xử lý các vi phạm.
Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý về quản lý ô nhiễm nước thải công nghiệp, khắc phục những chồng chéo và những khoảng trống. Xây dựng quy trình cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm và quyền hạn của lực lượng cảnh sát môi trường, sự phối hợp với các cơ quan khác như Thanh tra, Chi cục BVMT địa phương, các chế tài xử lý vi phạm.
Xây dựng các chương trình, dự án tăng cường năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý môi trường một cách dài hạn, bài bản, có hệ thống, kết hợp với trang bị các phương tiện và thiết bị phù hợp phục vụ quan trắc ô nhiễm nước thải công nghiệp. Ứng dụng các công nghệ hiện đại trong quan trắc môi trường, cảnh bảo và phát hiện sự cố ô nhiễm như GIS, SCADA … Khai thác, sử dụng dữ liệu các trạm quan trắc tự động (AMS) lắp đặt tại các KCN theo quy định. Có cơ chế chia sẻ dữ liệu, khai thác hệ thống trang thiết bị và các nguồn lực quản lý môi trường của địa phương, các cơ sở đào tạo và nghiên cứu, các doanh nghiệp và các KCN, CCN một cách hiệu quả nhất.
Kiểm tra thường xuyên việc chấp hành các quy định của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hỗ trợ về mặt kỹ thuật cho các doanh nghiệp về kiểm soát ô nhiễm, theo phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh’’.
4. Kết luận, kiến nghị
Việc lựa chọn sơ đồ tổ chức thoát nước, công nghệ thu gom, xử lý nước thải, mô hình tổ chức quản lý vận hành, đấu nối hộ gia đình, đảm bảo bù đắp chi phí vận hành và bảo dưỡng hệ thống thoát nước, quản lý phân bùn bể phốt… là các vấn đề cần lưu tâm trong TN - XLNT đô thị. Tùy điều kiện cụ thể, có thể áp dụng mô hình TN - XLNT tập trung hay phân tán. Các hướng công nghệ chi phí thấp đòi hỏi dành quỹ đất từ khâu quy hoạch cho phát triển cơ sở hạ tầng, nhưng đổi lại, giảm chi phí vận hành, bảo dưỡng và là tác nhân quan trọng đảm bảo tính bền vững của dự án.
Vấn đề sản xuất biogas thu được từ xử lí bùn, rác hữu cơ, nước thải đô thị làm nguồn nhiên liệu thay thế, tái sử dụng nước thải và bùn cặn trong nông nghiệp một cách kinh tế và an toàn cần phải được coi trọng.
Trạm XLNT KCN cần được thiết kế, xây dựng, vận hành đúng, với đầy đủ các giải pháp ngăn ngừa, giảm thiểu, khắc phục sự cố. Ý thức, trách nhiệm cùng với quyền lợi của doanh nghiệp và vai trò điều phối, kiểm soát của Nhà nước là những yếu tố quan trọng trong quản lý nước thải ở các KCN, KCX.
Tiết kiệm năng lượng và tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế trong thu gom, xử lý và tái sử dụng nước thải, bùn cặn đang là một vấn đề lớn, thu hút quan tâm như một thị trường hấp dẫn. Làm chủ được vấn đề năng lượng trong thu gom, xử lý, tái sử dụng nước và bùn cặn là những bước đầu tư chiến lược, mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững.
Tài liệu tham khảo
Nguyễn Việt Anh và Lê Minh Sơn (2012). Báo cáo hợp phần CS1.4, và tham khảo một số hợp phần khác. Báo cáo chuẩn bị Dự án Quản lý ô nhiễm công nghiệp (VIPMP). Bộ KH&ĐT & Ngân hàng Thế giới.
Nguyễn Việt Anh, Vũ Thị Hoài Ân (2014). Xử lý, ổn định bùn cặn từ các trạm XLNT theo hướng tái tạo năng lượng, thu hồi tài nguyên. Tạp chí Khoa học Công nghệ Xây dựng, số 20, 9/2014 (ISSN 1859 - 2996).
Buchauer K. (2014), “Discussion of W2E Processes at WWTPs”, Wastewater to energy (W2E) study, The World Bank, Hanoi, July 2014.
Lazarova V., Peregrina C., Dauthuille P. (2012), Toward energy self-sufficiency of wastewater treatment, In book: Water - Energy Interaction in Water Reuse. Lazarova V., Choo K., Cornel P. (ed). IWA publishing.
Le Duy Hung, Alan Coulthart, Sudipto Sarkar, James Corning, Nguyen Viet Anh, Tran Viet Nga and Ross Kearton (2013). Vietnam Urban Wastewater Review. The World Bank.
PGS. TS. Nguyễn Việt Anh
Viện trưởng, Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường (IESE)
Trường Đại học Xây dựng
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 9 -2015)