01/04/2019 8:45:30 SA

 

Thông tin về diễn biến chất lượng môi trường không khí tại thủ đô Hà Nội

1. Diễn biến chất lượng môi trường không khí tại Thủ đô Hà Nội trong Quý I năm 2019
Tại Hà Nội và một số tỉnh thành miền Bắc, ô nhiễm bụi vào thời gian mùa đông và đầu xuân tăng cao hơn những mùa khác trong năm. Đây cũng là hiện tượng thường gặp trong nhiều năm qua và có tính quy luật, ô nhiễm bụi mịn tăng cao vào thời gian tháng 12, tháng 1-2 và có thể kéo dài sang tháng 3.
Quy luật này cũng đã thể hiện khá rõ trong khoảng thời gian vừa qua khi nồng độ bụi trong môi trường không khí của Thủ đô Hà Nội đang có những biến động đáng kể, đặc biệt là sự gia tăng nồng độ bụi PM2.5. Kết quả quan trắc từ các Trạm quan trắc không khí tự động đặt tại Nguyễn Văn Cừ do Tổng cục Môi trường quản lý, 10 trạm quan trắc không khí tự động do Sở TN&MT Hà Nội quản lý, tham chiếu số liệu của Trạm quan trắc không khí tự động tại số 8 Láng Hạ của Đại sứ quán Mỹ trong Quý I năm 2019 cho thấy nồng độ bụi PM2.5 trung bình 24 giờ của một số ngày đã vượt giới hạn cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng môi trường không khí xung quanh. Thời gian nồng độ bụi mịn (PM2.5) tăng cao đột biến tập trung trong tháng 1 và tháng 3, đặc biệt trong các ngày 11-13/01, 19-20/01, 23-26/01,11-14/03, 20-22/03 và 26-27/03.
 
20190330TTHNN.jpg
Biểu đồ 1. Diễn biến giá trị trung bình 24h của PM2.5 tại các trạm quan trắc
trên địa bàn Hà Nội (01/01/2019 – 30/03/2019)
 
Tỷ lệ số ngày có nồng độ PM2.5 vượt QCVN 05:2013/BTNMT tại 12 trạm quan trắc không khí tự động tại Hà Nội có sự khác nhau giữa các khu vực. Kết quả phân tích số liệu tại Biểu đồ 2 cho thấy các trạm có tỷ lệ số ngày nồng độ PM2.5 vượt chuẩn khá cao chủ yếu tập trung tại các khu vực có các hoạt động xây dựng đang diễn ra hoặc mật độ giao thông cao như đường Phạm Văn Đồng, phố Hàng Đậu, phường Minh Khai (Q. Bắc Từ Liêm) v.v.; tại các khu vực khác, tỷ lệ số ngày nồng độ PM2.5 vượt chuẩn là tương đối thấp.  
 
20190330TTHN1.jpg
 Biểu đồ 2Tỷ lệ số ngày trong tháng 01-03/2019 có giá trị trung bình 24 giờ của PM2.5 vượt QCVN tại các trạm quan trắc trên địa bàn Hà Nội
 
Đánh giá theo chỉ số chất lượng không khí (AQI) cho thấy, trong 03 tháng đầu năm 2019, phần lớn thời gian, chất lượng không khí tại các khu vực có trạm đo ở mức trung bình (tỷ lệ ngày có chất lượng không khí ở mức trung bình tại hầu hết các trạm trên địa bàn thành phố Hà Nội dao động trong khoảng 50-60%). Tại các khu vực ngoại vi hoặc các khu vực có không gian thoáng, nhiều cây xanh như Nguyễn Văn Cừ, Mỹ Đình, Tân Mai, Tây Mỗ, số lượng ngày có chất lượng không khí ở mức tốt và mức trung bình chiếm tỷ lệ khá cao. Một số khu vực như Phạm Văn Đồng, Hàng Đậu, Minh Khai, số ngày có chất lượng không khí ở mức kém và xấu cao hơn. Đâylà những khu vực có mật độ phương tiện giao thông cao, cộng với các công trình xây dựng, nâng cấp hạ tầng đô thị đang diễn ra làm phát sinh một lượng bụi lớn vào môi trường (Biểu đồ 3).
 
20190330TTHN2.jpg
 Biểu đồ 3Tỷ lệ mức độ ô nhiễm theo giá trị AQI tại các trạm quan trắc trên địa bàn Hà Nội trong tháng 01 – 03/2019
 
Theo dõi diễn biến nồng độ bụi PM2.5 qua các giờ trong ngày cho thấy, nồng độ  bụi PM2.5 dao động trong khoảng từ 40 – 80 µg/m3, thường tăng cao vào các giờ cao điểm, khi mật độ giao thông lớn. Tuy nhiên, số liệu quan trắc cũng cho thấy nồng độ bụi PM2.5 cũng tăng cao vào một số khoảng thời gian khác, cụ thể: thời gian từ 23h đêm đến 5h sáng các ngày 19-20/1, 23-27/01, 11-14/03, 20-22/03 và 26-27/03. Theo số liệu khí tượng, đây chính là thời điểm gió mùa đông bắc tràn về Thủ đô Hà Nội.
Hiện tượng ô nhiễm bụi mịn thường tăng cao vào thời gian tháng 12, tháng 1-2 và có thể kéo dài sang tháng 3 tại Thủ đô Hà Nội là do trong khoảng thời gian này, Hà Nội chịu tác động mạnh của gió mùa Đông Bắc. Nền nhiệt độ trong không khí khá cao cộng với sự di chuyển, biến động của các khối khí tầng trên đã nén khí tầng thấp, khiến cho lượng bụi mịn không thể khuếch tán. Bêncạnh đó, vào những ngày có độ ẩm cao, sương mù xuất hiện làm cho sự lưu thông khí quyển bị hạn chế, các chất ô nhiễm không thể khuếch tán được lên cao để pha loãng và phát thải mà bị giữ lại tại tầng khí quyển sát mặt đất, làm gia tăng ô nhiễm môi trường không khí.
2. Về thông tin Hà Nội là thành phố ô nhiễm bụi PM2.5 đứng thứ hai Đông Nam Á
Liên quan đến thông tin “Hà Nội là thành phố ô nhiễm bụi PM2.5 đứng thứ hai Đông Nam Á” mà một số bài báo gần đây đề cập, trích nguồn từ báo cáo của Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (GreenID), do không giải thích đầy đủ, thiếu chính xác nên dễ dẫn đến hiểu lầm trong cộng đồng khi tiếp nhận thông tin. Cụ thể, trong Báo cáo về Hiện trạng chất lượng không khí toàn cầu[1] so sánh giá trị bụi PM2.5 tại một số thành phố trong khu vực Đông Nam Á, GreenID cho rằng Hà Nội đứng thứ 2 sau Jakarta về mức độ ô nhiễm bụi PM2.5 trong khu vực Đông Nam Á. Nhận định này là chưa chính xác, bởi vì trong bảng thống kê, GreenID chỉ có dữ liệu của 20 thành phố thuộc 04 quốc gia: Thái Lan (14 thành phố), Indonesia (01 thành phố); Philippines (03 thành phố), Việt Nam (02 thành phố), không có đủ số liệu của 11 quốc gia của khu vực Đông Nam Á để có thể đánh giá, xếp hạng theo như nhận định đã nêu.
Qua so sánh với một số thành phố khác của Châu Á cho thấy mức độ ô nhiễm của Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh thấp hơn rất nhiềuGiá trị bụi PM2.5 trung bình năm 2018 tại Hà Nội là 40,8 µg/m3, tại Tp. Hồ Chí Minh là 26,9 µg/m3, trong khi đó Dhaka – Bangladesh: 97,1 µg/m3; Dehli - Ấn Độ: 113,5 µg/m3; các thành phố của Trung Quốc như Hòa Điền, Hà Bắc, Từ Châu, Trịnh Châu… dao động từ 65,5 - 116 µg/m3...
Để xem thông tin trực tuyến và so sánh chất lượng không khí của thủ đô Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh với các thành phố khác trên thế giới, có thể tham khảo thông tin, số liệu đầy đủ hơn tại trang http://waqi.info/.
 
20190330TTHN3.jpg
 
Cho đến nay, ở Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng, ô nhiễm không khí chỉ tập trung chủ yếu là ô nhiễm bụi (do hoạt động giao thông, xây dựng... và một số nguồn vận chuyển từ xa đến). Các chất khí khác (NOx, SO2, CO...) đều có giá trị trung bình thấp hơn rất nhiều giới hạn quy chuẩn cho phép. Một số khu vực có xảy ra ô nhiễm NO2 hoặc SO2 nhưng chỉ mang tính cục bộ ở một số thời điểm. Trong khi đó, ở Trung Quốc, Ấn Độ và một số quốc gia khác, ngoài ô nhiễm bụi còn xảy ra tình trạng ô nhiễm NO2, SO2 (do sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong các ngành công nghiệp nặng, đun nước nóng, sửa ấm trong mùa đông...) với mức độ khá cao.
Theo dự báo diễn biến xu hướng thời tiết, trong thời gian tới, tại Hà Nội vẫn tiếp tục duy trì trạng thái thời tiết thay đổi bất thường, những ngày nóng xen kẽ những ngày giảm nhiệt độ mạnh do các đợt không khí lạnh tràn về, độ ẩm trong không khí cũng thay đổi bất thường sẽ khiến cho tình trạng ô nhiễm bụi PM2.5 tiếp tục diễn ra như những ngày vừa qua. Hiện tượng này sẽ giảm dần khi thời tiết chuyển dần sang mùa hè.
 

VEA

Từ Khóa: